Bộ Tư lệnh Quân khu 7: Chấn chỉnh biển số đỏ quân sự

Theo đó, Công ty Hải Sơn trực thuộc BCHQS tỉnh có bốn xe cơ giới mang biển số đỏ và giao khoán cho ông Trần Hòa (Phong Nẫm, Phan Thiết) là quân nhân chuyên nghiệp của Công ty Hải Sơn quản lý. Đầu năm 2008, tỉnh Bình Thuận có quyết định giải thể công ty nhưng thời hạn hợp đồng giao khoán giữa Hải Sơn và ông Trần Hòa chưa chấm dứt nên BCHQS tỉnh gia hạn hợp đồng cho ông Hòa. Đến tháng 9-2010, hai bên thanh lý hợp đồng và đầu tháng 11-2010, phòng Hậu cần đã thu hồi toàn bộ giấy chứng nhận đăng ký, giấy phép lưu hành và thu hồi bốn chiếc xe về đơn vị.

Công văn nêu rõ: Những xe không thuộc diện quản lý của đơn vị đang lưu hành mang biển số của đơn vị như báo đã nêu đều là biển số giả mạo.

Về giấy công tác xe, BCHQS tỉnh cho biết: Năm 2006, khi ông Hòa còn là quân nhân chuyên nghiệp, BCHQS tỉnh có cấp hai giấy công tác xe cho ông Hòa thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ xong, ông Hòa không nộp lại giấy công tác và người có thẩm quyền chủ quan không thu hồi. Lợi dụng kẽ hở trên, tháng 5-2011, ông Hòa đã sửa giấy công tác xe thực hiện mục đích cá nhân.

Theo BCHQS tỉnh, sau khi báo phản ảnh, ngày 10-6, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã có công văn chỉ đạo chấn chỉnh xe mang biển số đỏ quân sự trên toàn quân khu. Sau đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã thống nhất xây dựng kế hoạch hướng dẫn và tổ chức lực lượng phối hợp tuần tra kiểm soát, xử lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số giả xe quân sự. Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67) - Bộ Công an và Cục Xe-Máy (Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng) phối hợp kiểm tra bắt đầu từ ngày 15-7 đến 31-12-2011 trên các tuyến giao thông đường bộ...

Việc ông Hòa “bảo kê” cho các xe biển số đỏ dỏm và “bản danh sách chung chi” sau khi xe mang biển số đỏ dỏm bị bắt tại Tân Phú, Đồng Nai, hiện Công an tỉnh Đồng Nai vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ.

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm