Bộ Tư pháp: Chỉ định thầu dễ sinh lợi ích nhóm

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản xin ý các thành viên Chính phủ liên quan đến dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý, bảo trì công trình đường bộ.

Theo đó Bộ GTVT, xin thí điểm cho phép lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật (tài liệu trình bày các nội dung về sự cần thiết, mức độ khả thi… làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư xây dựng) đối với trường hợp sửa chữa công trình đường bộ có chi phí từ 1 tỉ đồng đến dưới 80 tỉ đồng. 

Bên cạnh đó, Bộ GTVT được quy định việc chỉ định thầu đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn khảo sát, thiết kế lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật có giá trị đến 1 tỉ đồng để thực hiện bảo trì công trình đường bộ.

Đồng thời, cho phép thành lập và duy trì Ban Quản lý, bảo trì công trình đường bộ tại Sở GTVT thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để quản lý, bảo vệ, vận hành, khai thác và tổ chức bảo trì các tuyến đường quốc lộ được ủy thác, đường tỉnh, đường đô thị và các tuyến được giao.

Kinh phí hoạt động của Ban Quản lý, bảo trì công trình đường bộ được trích từ kinh phí quản lý dự án bảo trì công trình đường bộ và nguồn thu hợp pháp khác (không sử dụng kinh phí trực tiếp từ ngân sách nhà nước). Thời gian thực hiện thí điểm trong vòng ba năm.

Nhiều bộ, ngành cho rằng việc chỉ định thầu dễ sinh lợi ích nhóm.

Theo Bộ GTVT, để bảo trì một công trình giao thông như hiện nay mất nhiều thời gian, nên một số tuyến đường hư hỏng chưa được sửa chữa kịp thời. Vì vậy việc xin cơ chế đặc thù trên nhằm nhanh chóng khắc phục những hư hỏng phát sinh đối với hệ thống đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông thông suốt, kéo dài tuổi thọ công trình đường bộ. Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách ngày một gia tăng trong hệ thống giao thông đường bộ và phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp không đồng tình với việc chỉ định thầu. Theo Bộ Tư pháp, việc này không bảo đảm tính cạnh tranh, dễ sinh lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

“Nếu với lý do thời gian đấu thầu kéo dài làm ảnh hưởng đến công việc thì có thể quy định thời gian ngắn hơn so với quy định hiện tại nhưng vẫn đảm bảo tính cạnh tranh. Trường hợp không thể giảm được thời gian đấu thầu mà vẫn cần thiết chỉ định thầu thì cần quy định điều kiện ràng buộc đối với nhà thầu được chỉ định thầu như năng lực nhà thầu cần ở mức độ nào. Tránh việc chỉ định cho nhà thầu năng lực kém hoặc nhà thầu có xác nhận của chủ đầu tư xây dựng hoặc đơn vị chủ quản trong khoảng thời gian ba năm hoặc năm năm thực hiện tốt các gói thầu tư vấn và không có vi phạm thì được chỉ định thầu…” - đại diện Bộ Tư pháp góp ý.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm