Buộc xin phép đặt tượng ở sân nhà là vô lý

Vừa qua, gia đình ông Tống Hồ Phương (Lâm Đồng) xây bệ đặt tượng danh tướng Trần Hưng Đạo thì UBND xã cho rằng đây là trường hợp xây dựng không phép, yêu cầu tháo dỡ. Chủ nhà cho hay đã cố gắng xin phép nhưng ngành văn hóa thông tin bảo không có trong quy định.

Xung quanh vấn đề này, pháp luật điều chỉnh ra sao?

Yêu cầu vô cùng lạ

Có quan điểm cho rằng việc xử lý vi phạm trường hợp như trên là đúng. Ý kiến này nhận định bệ tượng là một công trình xây dựng. Bởi đối chiếu với Điều 89 Luật Xây dựng áp dụng cho các công trình được miễn giấy phép xây dựng, bệ tượng không thuộc đối tượng được miễn.

Ngoài ra, việc đặt tượng (danh tướng, các nhân vật liên quan đến tâm linh tín ngưỡng…) cũng phải xin phép Sở VH-TT&DL để phù hợp quy hoạch về tượng đài.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho hay theo Điều 91 Luật Xây dựng, điều kiện để cấp phép xây dựng là công trình phải thỏa các điều kiện cơ bản là “phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt và phù hợp với mục đích sử dụng đất”. Trường hợp trên đồng nghĩa người dân phải xin chuyển mục đích sử dụng vài m2 sang đất xây dựng tượng đài để xây dựng làm bệ tượng. Việc này có được giải quyết không?

Ông Đào Gia Vượng, Phó Chủ tịch UBND quận 7 (TP.HCM), cho biết trong phân loại các loại đất không có đất để xây tượng. “UBND quận, huyện sẽ không thể nhận hồ sơ này và giải quyết cho chuyển mục đích sử dụng theo yêu cầu này” - ông Vượng nói.

Ông Nguyễn Văn Điều, Trưởng phòng TN&MT quận Tân Phú (TP.HCM), cho rằng: “Muốn chuyển mục đích thì phải có loại đất phù hợp, có người sử dụng. Ví dụ đất ở để làm nhà ở, đất tôn giáo thì có công trình tôn giáo như đình, chùa, miếu… Không có thủ tục chuyển mục đích vài m2 đất trong khuôn viên nhà người dân thành đất đặt tượng đài. Như vậy yêu cầu “phù hợp với mục đích sử dụng đất” để cấp phép xây dựng đã không thể khả thi. Đó là một yêu cầu vô cùng lạ”.

Tượng danh tướng Trần Hưng Đạo được đặt trên bục cao 1 m trong sân nhà ông Phương. (Ảnh do cháu ông Phương cung cấp)

Đặt tượng không ảnh hưởng đến ai

Phó phòng QLĐT quận Gò Vấp, bà Nguyễn Hồng Vân, cho biết từ trước đến nay quận chưa từng nhận hồ sơ xin phép xây dựng nào cho việc làm bệ tượng trong sân nhà. “Nếu có thì phòng cũng sẽ tham mưu quận có văn bản trả lời là không có thủ tục nói trên” - bà Vân nhấn mạnh.

Theo bà Vân, bệ tượng trong sân nhà người dân không phải là công trình xây dựng, không thuộc đối tượng điều chỉnh bởi Luật Xây dựng và không thuộc trường hợp phải xin phép xây dựng. Việc làm bệ tượng là một hình thức như nâng nền nhà, không phát sinh diện tích xây dựng, không lấn chiếm nhà đất của ai nên không phải xin phép xây dựng.

Theo bà Vân, trường hợp người dân vì nhu cầu nâng nền chống dột nên nâng cả nền nhà hiện vẫn được miễn phép, chỉ phải báo UBND phường huống chi làm bệ tượng trong sân.

Ngoài ra, bà Vân cho biết Thông tư 16/2015 của Bộ Xây dựng hướng dẫn Luật Xây dựng có quy định về thủ tục cấp phép xây dựng với công trình tượng đài, tranh hoành tráng. Nhưng đó là những công trình đặt ngoài công cộng, không phải là trường hợp các bức tượng trong khuôn viên gia đình của người dân.

Ông Lưu Quang Huy Quan, Phó Chủ tịch UBND phường 5 (quận 8, TP.HCM), cho hay phường không xem trường hợp xây bệ dựng tượng trong khuôn viên đất nhà ở hợp pháp của họ là vi phạm xây dựng và xử phạt. “Tôi cũng cho rằng bệ tượng không phải là công trình xây dựng, không thuộc trường hợp phải xin phép xây dựng. Việc xây bệ tượng nằm trong khuôn viên nhà đất của họ, không lấn chiếm, không ảnh hưởng đến ai” - ông Quang bày tỏ.

Khó quy hoạch tượng đặt trong nhà người dân

Về ý kiến cho rằng tượng muốn xây dựng phải phù hợp quy hoạch tượng đài thì cần có ý kiến của ngành văn hóa thì phải hiểu đó là những tượng đài lớn, hoành tráng đặt tại các không gian công cộng. Những loại tượng đài này cần phải thực hiện theo quy hoạch tượng đài của ngành văn hóa để thống nhất, đảm bảo mỹ quan và ý nghĩa văn hóa lịch sử. Do đó Nhà nước mới giao cho Sở VH-TT&DL xây dựng quy hoạch này.

Còn các bức tượng mang ý nghĩa tâm linh tín ngưỡng hay mỹ quan của người dân, nằm trong khuôn viên nhà người dân thì làm sao áp dụng quy hoạch tượng đài, sao điều chỉnh bằng quy hoạch tượng đài được. Giả sử muốn quy hoạch tượng đặt trong nhà của người dân cũng khó khả thi.

Ông Quách Hồng Tuyến,
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy