Dạy trẻ trò rồ dại!

- Ông có bị điên không dzậy! Sao lại dạy trẻ cái điều điên rồ như thế? Lỡ sau đó trẻ bắt chước làm theo thì hậu quả ấy ai gánh chịu?

- Ông lại lo xa! Bài học nói vậy nhưng khi người lớn “bày trò” để dạy trẻ thì dĩ nhiên họ phải biết cách xếp cái mớ thủy tinh vỡ ấy sao cho cái đầu nhọn không nhô lên, rồi phía trên còn có tấm thảm dày cộm nữa. An toàn lắm!

- Nhưng trẻ con là chúa bắt chước và khi bắt chước thì nó đâu có nhớ cái “chiêu” của người lớn, rằng phải xếp cái món thủy tinh vỡ ấy để không bị cắt chân. Nó cứ làm đại, khi đó có mà… ăn cho hết!

- Mục đích của bài học là rèn cho trẻ tinh thần can đảm, không sợ trước những gian nan, thử thách. Và rằng có những chuyện thấy dzậy mà hổng phải dzậy, thấy mảnh vỡ thủy tinh nguy hiểm vậy nhưng thật ra rất an toàn…

- An toàn cái con khỉ! Đã từng có chuyện trẻ bắt chước phim siêu nhân nhảy từ lầu sáu xuống đất, kết quả thế nào chắc không cần phải mô tả… Vì vậy, trước khi cho thằng nhóc nhà tui coi phim này, tui đã phải vất vả giảng đi giảng lại rằng đó là phim, không có thật, rằng con không được nhảy dù là từ trên bàn xuống đất...

- Ông nói đúng! Nghe chuyện này tui bỗng nhớ đến cái bài triết học xương cốt mà bất kỳ một cử nhơn, thạc sĩ hay tiến sĩ nào cũng từng học qua. Đó là bài “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng”. Với trẻ con, hễ có “trực quan sinh động” là chúng bắt chước mà không cần nghĩ ngợi gì. Thôi, tui đi dặn thằng Tèo nhà tui đừng nghe theo cái trò rồ dại ấy…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm