Rút ruột xăng dầu xe bồn trên đèo Hải Vân

Cửa hàng yêu cầu Petrolimex xử nghiêm việc rút ruột xăng dầu

Trên các số báo trước, chúng tôi phản ánh hàng loạt tài xế xe bồn mang chữ Petrolimex rút dầu trên đèo Hải Vân và bán cho các đầu nậu.

Các đơn vị liên quan đều bất bình về việc này, đặc biệt là các cửa hàng bán lẻ.

Tài xế và phụ xe đầu kéo biển số 43C-052.01 kéo theo rơmoóc 43R-003.86 hút xăng dầu trên đèo Hải Vân...

... Sau đó giao hàng cho cửa hàng xăng dầu số 38 của Công ty Xăng dầu Quảng Trị. Ảnh: HẢI HIẾU

Cây xăng thất thoát hàng ngàn lít

Như chúng tôi đã phản ánh, trong các xe bồn bị tài xế rút dầu bán có xe 75C-071.96, sau đó tài xế giao cho cửa hàng xăng dầu Điền Hương (xã Điền Hương, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế).

Ngày 22-10, gặp chúng tôi, ông Trần Gia Toản (quyền điều hành cửa hàng xăng dầu Điền Hương) cho biết cửa hàng được nhượng quyền từ Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex.

Ông xác nhận ngày 21-9 có nhập 650 lít xăng và 4.150 lít dầu từ xe bồn 75C-071.96. “Sau khi bán ra, cửa hàng thường hao hụt 10 lít trên 1.000 lít nhưng không biết lý do” - ông nói. Ông cũng cho hay mỗi khi nhập kho đều kiểm tra khóa niêm chì thì không phát hiện điều bất thường nhưng sau khi bán ra thì thất thoát lớn.

Sau khi kiểm tra sổ sách, ông thông tin: Từ tháng 12-2017 đến tháng 5-2018, thất thoát hơn 1.100 lít xăng; từ tháng 5 đến nay, thất thoát cũng hơn 1.100 lít xăng. “Trong chín tháng nay, cây xăng của gia đình thất thoát hơn 2.200 lít xăng, dầu thất thoát không đáng kể” - ông nói và kiến nghị Petrolimex xử lý nghiêm các tài xế rút ruột xăng dầu.

Cửa hàng trưởng phải đền nếu hao hụt

Theo ghi nhận, xe đầu kéo 43C-052.01 rút ba can nhiên liệu ở quán Hoa Sữa trên đèo Hải Vân, bán tại quán cà phê nơi ông Ca túc trực. Sau đó xe này giao cho cửa hàng xăng dầu số 38 ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

Theo cửa hàng trưởng Dương Thị Thúy, khi xe đến nhập xăng dầu, cửa hàng trưởng trực tiếp ra đo đạc số lượng, so sánh nhiệt độ lúc nhập hàng với biên bản. “Có xe thiếu đến 30 lít, xe nào thiếu nhiều lần sẽ đề xuất hạn chế nhập hàng” - bà Thúy cho hay.

“Không có chuyện cửa hàng thông đồng với tài xế vì khi công ty kiểm kê, cửa hàng phải móc tiền túi ra đền cho phần thiếu hụt” - bà Thúy nói.

Tương tự, ông Lê Anh Tuấn (cửa hàng trưởng xăng dầu Petrolimex 29 tại huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị - nơi nhập xăng dầu từ một xe bồn bị tài xế rút ruột) cũng cho hay phải bù tiền nếu cửa hàng nhập hàng bị thiếu…

Chiều 23-10, ông Thái Tăng Kiệm, Phó Giám đốc Petrolimex Quảng Trị, khẳng định: “Không có chuyện cửa hàng trưởng câu kết với tài xế hút trộm được. Không ai đi làm chuyện đó”. Theo ông Kiệm, các cửa hàng trưởng được giao khoán quản lý trực tiếp, nếu thiếu hụt thì phải đền. “Không chỉ phải bỏ tiền túi ra để đền mà còn bị kỷ luật nữa” - ông Kiệm nói.

“Rút trộm ngoài phạm vi kho”

Theo ông Trần Văn Nhân, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực V, Petrolimex Đà Nẵng - đơn vị cung cấp xăng dầu chủ yếu cho các tỉnh từ Quảng Bình trở vào Quảng Ngãi và một phần Kon Tum, Petrolimex Đà Nẵng vừa bán cho các thương nhân phân phối, vừa bán cho các đơn vị nhượng quyền thương mại và cung cấp cho các cửa hàng kinh doanh, các đơn vị tuyến sau.

“Các nội dung báo phản ánh nằm ngoài phạm vi kho” - ông Nhân nói.

Theo ông Dương Văn Phước, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải Petrolimex Đà Nẵng, công ty có hơn 70 xe vận chuyển xăng dầu. Petrolimex có quy trình rất chặt trong việc giao nhận hàng kỹ thuật, dung tích đến niêm phong kẹp chì. “Toàn bộ niêm phong kẹp chì do kho xuất ra. Bộ phận niêm phong ngay cổng Tổng kho xăng dầu khu vực V” - ông Phước nói.

Ông cho hay là không sâu sát về nghiệp vụ của xe bồn. “Nhưng có thể có một khe hở nào đó thì tài xế mới làm vậy được” - ông Phước nói.

Petrolimex thừa nhận việc giám sát chưa chặt

Ngày 23-10, theo ủy quyền của tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ xăng dầu Petrolimex, ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và dịch vụ Petrolimex Sài Gòn, đã cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM về loạt bài điều tra. Ông cho hay theo báo cáo của đơn vị tại Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế, hai đơn vị này đã đình chỉ các tài xế có hành vi sai phạm. Theo chủ trương của tổng công ty, các tài xế sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của công ty.

Theo ông, các xe chở nhiên liệu của Petrolimex đều có thiết bị giám sát hành trình (GPS). “Qua hệ thống giám sát, các đơn vị vận tải biết các xe di chuyển hay dừng lại. Họ lợi dụng việc dừng trên đèo để kiểm tra độ an toàn của xe để có hành vi không đúng. đây là bài học để tổng công ty có biện pháp kiểm soát, kiểm tra, chấn chỉnh các hành vi sai phạm của tài xế; không làm mất đi hình ảnh, uy tín của công ty” - ông Thái nói.

Tương tự, đại diện Công ty Vận tải Petrolimex Đà Nẵng cũng cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin kịp thời để đơn vị chấn chỉnh. Đại diện công ty cũng thừa nhận các tài xế đã có hành vi sai phạm nội quy, quy định, cam kết của công ty, làm ảnh hưởng đến uy tín của tập đoàn. “Qua làm việc ban đầu, các tài xế thừa nhận hành vi vi phạm, thừa nhận có bán xăng dầu và đơn vị sẽ xử lý nghiêm các tài xế vì đã làm ảnh hưởng đến uy tín tập đoàn” - vị đại diện nói.

Trước đó, trong ngày 22-10, Tổng Công ty Dịch vụ xăng dầu Petrolimex có văn bản thông báo cho toàn bộ đơn vị thành viên và đơn vị trực thuộc chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn vận chuyển xăng dầu và yêu cầu lãnh đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình vận chuyển của phương tiện, công nhân lái xe, không xảy ra những vụ việc tương tự để giữ gìn uy tín, thương hiệu Petrolimex.

Tổng công ty cho biết sẽ rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm