Các kịch bản giải cứu cầu Sài Gòn

Sở GTVT vừa chỉ đạo Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2) phối hợp với Phòng CSGT đường bộ, CSGT các quận 2 và Bình Thạnh xây dựng nhiều kịch bản xử lý khi có sự cố xảy ra trên cầu Sài Gòn.

Dùng dải phân cách di động

Hiện nay cầu Sài Gòn có bốn làn ôtô ở giữa, mỗi chiều hai làn; hai làn xe hai bánh riêng biệt ở hai bên. Theo Phó Giám đốc Khu 2 Lê Ngọc Hùng, để tạo sự linh hoạt trong việc giải cứu cầu Sài Gòn khỏi một trong năm tình huống giả định trên, tới đây Khu 2 sẽ thay dải phân cách cố định ở giữa hai chiều ôtô bằng giàn thép di chuyển trên các bánh lăn. Mỗi đoạn dải phân cách di động dài 24 m, được nối kết với nhau bằng các ống khóa. Chìa khóa sẽ do Khu 2, đội cảnh sát tuần tra giao thông và tổ trực gác cầu Sài Gòn cất giữ. Khi có sự cố xảy ra, một trong ba lực lượng trên sẽ mở khóa, kéo dải phân cách di động ra để tổ chức phân luồng giao thông.

Các kịch bản giải cứu cầu Sài Gòn ảnh 1

Lưu lượng xe qua lại cầu Sài Gòn luôn cao, dễ xảy ra các sự cố nên rất cần xây dựng các phương án ứng cứu.

Khi có ôtô bị hư hỏng trên cầu, dải phân cách di động tại đoạn xe hư sẽ được mở ra cho xe cứu hộ tiếp cận kéo xe hư ra khỏi cầu để đưa giao thông hai chiều trở lại bình thường. Còn khi có tai nạn giao thông trên cầu, lực lượng CSGT sẽ ghi nhận, xử lý và nhanh chóng giải phóng hiện trường (nếu có xe hư hỏng cần kéo khỏi hiện trường thì xử lý như tình huống trên).

Phân luồng cưỡng bức

Nếu cầu bị hư hỏng đột xuất và phải sửa chữa khẩn cấp, các lực lượng chức năng sẽ phối hợp thông báo nhanh trên chương trình giao thông phát trên sóng FM của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Trường hợp sửa chữa cầu không khẩn cấp sẽ có thông báo trên các báo, đài. Ở cả hai tình huống này, nếu phải cô lập cả hai làn xe của một chiều đường thì sẽ tạm thời cho xe tải chạy hai chiều trên chiều đường còn lại. Song song đó sẽ có băng rôn treo ở các điểm cách xa cầu Sài Gòn để các loại xe tự chọn hướng đi khác.

Trường hợp phải sửa chữa lớn, cần cô lập toàn bộ cầu Sài Gòn thì ngoài việc thông báo, thông tin như trên, lực lượng CSGT của phòng và các quận 2, Bình Thạnh sẽ phân luồng cưỡng bức các loại xe đi theo đường Nguyễn Hữu Cảnh, qua cầu Thủ Thiêm, Lương Định Của, Trần Não, cầu Đen 2 để ra xa lộ Hà Nội, hoặc theo đường Lương Định Của ra đại lộ Đông-Tây, ngã ba vòng xoay Cát Lái... Khi xảy ra ùn tắc ở khu vực Hàng Xanh hoặc Thảo Điền, lực lượng chức năng cũng sẽ áp dụng phương án phân luồng cưỡng bức từ xa như trên.

Theo ông Lê Ngọc Hùng, sau khi kịch bản sự cố và các phương án giải cứu cầu Sài Gòn được Sở GTVT thông qua, lực lượng chức năng sẽ có các buổi diễn tập để sẵn sàng phản ứng khi có các tình huống thật xảy ra.

Cầu cửa ngõ quan trọng nhất

Cầu Sài Gòn được khởi công xây dựng năm 1958 và đưa vào sử dụng từ năm 1961. Theo ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu 2, tới đây hàng loạt cầu như cầu Phú Mỹ, Thủ Thiêm và hầm Thủ Thiêm được đưa vào sử dụng và xây thêm cầu Sài Gòn 2 thì cầu Sài Gòn (cũ) vẫn là cây cầu quan trọng nhất đối với cửa ngõ phía Đông TP.

Theo tính toán, hiện mỗi ngày có hơn 40.000 ôtô các loại lưu thông qua cầu Sài Gòn và con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa vào dịp cuối năm. Ngoài ra, trong những năm tới, lưu lượng xe sẽ còn tăng lên do tốc độ phát triển kinh tế của TP.

Năm tình huống dẫn đến ùn tắc

- Ôtô bị hư hỏng trên mặt cầu làm cho chiều cầu chỉ còn lại một làn xe;

-  Có tai nạn trên các làn ôtô và phải chờ CSGT đến xử lý;

-  Cầu bị hư hỏng đột xuất cần phải cô lập một hoặc hai làn để sửa chữa (như đã xảy ra vào đầu tháng 10-2009);

-  Cầu bị hư hỏng lớn hoặc đến chu kỳ bảo dưỡng, duy tu nên cần cô lập toàn bộ cầu;

-  Ùn tắc giao thông ở khu vực đầu cầu (ngã tư Hàng Xanh hoặc ngã ba Thảo Điền) kéo theo ùn tắc trên mặt cầu.

LƯU ĐỨC - HOÀNG LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm