Cần 20 tỉ USD cho hai đoạn đường sắt cao tốc

“Nếu chọn đường sắt là phương tiện chủ đạo về vận tải hành khách trên trục Bắc-Nam thì trước tiên cần nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu, sau đó xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc dành riêng chở khách” - đây là nội dung kiến nghị vừa được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trình Chính phủ và Bộ GTVT. Kiến nghị này căn cứ vào kết quả nghiên cứu của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Nâng cấp, cải tạo tuyến hiện hữu

JICA đề xuất bốn phương án cải tạo tuyến đường sắt hiện hữu (khổ 1 m) nhằm đảm bảo tốc độ tàu chạy tối đa 90 km/giờ. Muốn đạt tốc độ này, ngoài việc tiếp tục thực hiện các dự án đã được phê duyệt, cần thực hiện thêm hàng loạt công việc như cải tạo bảy ga; thay thế ray, tà vẹt; cải tạo cầu, hầm yếu… Khi đó, thời gian tàu chạy từ Hà Nội vào TP.HCM giảm xuống còn 29 giờ 6 phút, thay vì 30 giờ như hiện nay.

“Để phát huy tối đa năng lực của tuyến đường sắt đơn Bắc - Nam, bước tiếp theo là phải hoàn thành thêm nhiều dự án như cải tạo hướng tuyến khu vực hầm Khe Nét, hầm Hải Vân; xây thêm nhiều ga mới, lắp đặt thiết bị bảo vệ đường ngang trên tuyến Hà Nội - TP.HCM… Tổng vốn đầu tư giai đoạn này là 1,8 tỉ USD. Sau khi hoàn thành hai giai đoạn trên, năng lực khai thác toàn tuyến sẽ tăng. Tốc độ tàu tối đa vẫn duy trì ở mức 90 km/giờ nhưng thời gian chạy tàu từ Bắc vào Nam chỉ còn 25 giờ 24 phút” - JICA tính toán.

Cần 20 tỉ USD cho hai đoạn đường sắt cao tốc ảnh 1

Nâng cấp, cải tạo cho tuyến đường sắt đơn hiện tại sẽ giảm được thời gian chạy tàu. Ảnh: HTD

Cả JICA lẫn VNR đều không đề cập đến tổng mức đầu tư cho phương án cải tạo tuyến đường sắt hiện hữu, ngoài con số 1,8 tỉ USD cho giai đoạn hai. Nhưng theo tài liệu chúng tôi có được, trước đây một đơn vị tư vấn phát triển đường sắt cũng từng đề xuất nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện hữu (trên cơ sở tận dụng kết quả các dự án đã và đang triển khai) với tổng mức đầu tư hơn 4,2 tỉ USD. Nhưng phương án này cho tốc độ tàu cao hơn, từ 80 đến 100 km/giờ, thậm chí có đoạn đạt đến 120 km/giờ.

“Vẫn phải là đường sắt cao tốc!”

JICA đánh giá trong giai đoạn từ đây đến năm 2030, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa trên trục Hà Nội - TP.HCM có thể được đáp ứng bằng cách kết hợp các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không mà không cần tới đường sắt cao tốc. Nhưng sau năm 2030 thì năng lực vận tải sẽ không đáp ứng được nhu cầu, do đó cần thiết phải xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Theo JICA, nhu cầu đường sắt cao tốc là rõ rệt nhưng tính khả thi về kinh tế vẫn thấp do chi phí đầu tư ban đầu cao. Vì thế, cần chọn đoạn ưu tiên làm trước, thời điểm đầu tư vào khoảng năm 2030. Nếu xây dựng đường sắt cao tốc có tốc độ khai thác 320 km/giờ thì chi phí xây dựng đoạn ưu tiên phía Bắc (Hà Nội - Vinh, dài trên 280 km) và phía Nam
(TP.HCM - Nha Trang, dài gần 370 km) có tổng vốn đầu tư trên 20 tỉ USD. Trong đó, đoạn ưu tiên TP.HCM - Nha Trang được đầu tư từ năm 2031, đoạn ưu tiên còn lại sẽ khai thác từ năm 2036.

Đồng tình với đề nghị của JICA, VNR cho rằng cần thiết phải xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc khổ 1,435 m trên trục Bắc-Nam. Tuy vậy, VNR kiến nghị cần phân kỳ đầu tư từng giai đoạn 5-10 năm tới và xa hơn để từng bước xây dựng tuyến đường sắt cao tốc chỉ chuyên chở khách. Trong đó, chọn đoạn Thủ Thiêm (TP.HCM) - sân bay Long Thành (Đồng Nai) để thực nghiệm trước.

Chi phí không cao, lo được?!

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc trên cả nước đến năm 2020 (được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2008), tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông dài trên 1.940 km được xác định phải ưu tiên đầu tư. Dù vậy, nguồn vốn đầu tư cho tuyến này quá lớn (khoảng 279.250 tỉ đồng) và đến nay trung ương vẫn chưa thu xếp được.

Thế nhưng JICA cho rằng chi phí đầu tư đường sắt cao tốc trên tổng ngân sách ngành giao thông vận tải chỉ chiếm khoảng 2,5% trong giai đoạn 2015-2020 và gần 15% trong giai đoạn 2021-2025. “Mức ngân sách đầu tư cho đường sắt cao tốc ngân sách ngành giao thông có thể gánh được mà vẫn đảm bảo các dự án ưu tiên khác” - JICA lạc quan.

Kịch bản xây đường sắt cao tốc Bắc-Nam

- Trước năm 2021, JICA đề nghị xây dựng hai tuyến chạy thử là Ngọc Hồi - Phủ Lý (khoảng 46 km) nối Hà Nam với Hà Nội và đoạn Thủ Thiêm - Long Thành (khoảng 36 km) nối TP.HCM với sân bay Long Thành. Đây là một phần của đoạn ưu tiên Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.

- Năm 2031: Hoàn thành và khai thác đoạn ưu tiên phía nam TP.HCM - Nha Trang (370 km).

- Năm 2036: Xây dựng xong đoạn ưu tiên Hà Nội - Vinh (280 km).

- Năm 2039: Hoàn thành đoạn Đà Nẵng - Huế (khoảng 100 km). Các đoạn còn lại khai thác sau năm 2040.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm