‘Cán bộ khi kê khai thì rất nghèo’

Sáng 11-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi). Đây là dự án luật được đánh giá là “vô cùng khó”, do vậy còn nhiều ý kiến khác nhau khi tranh luận.

Ai sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ?

“Cán bộ của ta không phải nghèo nhưng kê khai thì rất nghèo nên cần phải có cơ quan thẩm tra việc kê khai tài sản” - Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc nêu.

Liên quan đến thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, Chính phủ trình QH hai phương án. Theo đó, phương án một là giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên ở tất cả cơ quan, tổ chức, đơn vị... Phương án hai là giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương; giao cho TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng QH, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai công tác tại ngành hoặc cơ quan, tổ chức này. Giao cho ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ QH kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu QH chuyên trách.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết đa số ý kiến của ủy ban này không thống nhất với cả hai phương án.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng tại phiên thảo luận.  Ảnh: quochoi.vn

Ông Định giải thích: Nếu theo phương án một, cơ quan thanh tra chuyên trách kiểm soát sẽ quá tải. Mặt khác, nếu tăng quyền lực, chức năng, nhiệm vụ... sẽ tăng biên chế, tăng bộ máy. Trong khi đó, theo phương án hai sẽ không đồng bộ trong quy định của pháp luật và có rất nhiều đầu mối...

Ông Định cho rằng việc kết hợp giữa phương án hiện hành với việc giao cho cơ quan thanh tra là đầu mối giúp Chính phủ thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCTN và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý tài sản, thu nhập sẽ khả thi hơn và kế thừa được các quy định lâu nay, đồng thời ràng buộc được trách nhiệm của người đứng đầu.

Thu nhập không giải trình được: Đánh thuế hoặc phạt 45% giá trị

Một điểm mới đáng chú ý, dự thảo luật trình ra phiên họp lần này đã bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Theo đó, sẽ yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân (mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật PCTN) hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Dự thảo cho phép người bị thu thuế hoặc bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại tòa án hành chính về kết luận xác minh tài sản, thu nhập. “Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có” - Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tư pháp cho rằng tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp (do vi phạm pháp luật, phạm tội mà có) thì tùy từng trường hợp, pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể để xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu hoặc tịch thu sung công…

Riêng đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định xử lý, trong khi không loại trừ một số tài sản này có thể có nguồn gốc từ tham nhũng, từ vi phạm pháp luật nhưng Nhà nước chưa chứng minh được.

Cũng theo Ủy ban Tư pháp, đặc điểm xã hội nước ta là người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản... “Về mặt pháp lý không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu theo hướng “suy đoán có tội”” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói và cho biết đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp tán thành mức thuế suất 45% với những lý do như giải trình của Chính phủ…

Nhiều đại biểu QH đề nghị không quy định trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến tán thành với quy định Đảng kiểm soát tài sản, thu nhập của một số đối tượng nhất định...

Tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng mà áp dụng các quy định của Luật PCTN như đối với cán bộ, công chức nói chung trong hệ thống chính trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm