Cán bộ không dám vào cơ quan vì đã... nhậu

Ngày 22-3, ông Trịnh Xuân Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, cho biết: “Qua đợt thanh tra công vụ mới đây, tại hầu hết các xã mà đoàn thanh tra công vụ đến kiểm tra đột xuất đều có rất nhiều cán bộ, công chức xã vắng mặt trong giờ làm việc, có địa phương vắng đến 76%”.

Trưa nhậu nên chiều không đến cơ quan

Mới đây, khi đoàn thanh tra công vụ thực hiện kỷ luật, kỷ cương tại UBND các phường/xã/thị trấn (gọi tắt là đoàn thanh tra công vụ) của Sở Nội vụ tỉnh Bình Định đến kiểm tra đột xuất, cả trụ sở UBND xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân vắng tanh như ngày nghỉ dù đang giờ làm việc. Kết quả kiểm tra cho thấy có đến 15 người vắng mặt trong giờ làm việc trong khi xã có 20 cán bộ, công chức.

Đặc biệt, toàn bộ lãnh đạo xã đều không có mặt tại trụ sở. Thậm chí khi thấy đoàn thanh tra, một cán bộ xã có mặt đã cấp báo cho các cán bộ khác nhưng cũng chỉ vài người đến làm việc sau đó.

Giải thích sự việc trên với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Công Khải, Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Tây, nói: “Hôm đó tôi lên tỉnh họp về công tác giảm nghèo. Ở nhà, một số anh em đi làm trễ. Ngoài ra, nhiều anh em đi nhậu buổi trưa nên khi đoàn kiểm tra đến thì họ không dám vô trụ sở ủy ban. Trưa đó, bí thư xã cũng uống nên không dám vô. Thời điểm đó chưa triển khai cấm uống rượu bia buổi trưa nên xảy ra việc như vậy”.

Nhiều người dân xã Ân Hảo Tây cũng cho biết họ không ít lần phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, thậm chí phải chạy tìm cán bộ xã khắp nơi những khi có việc cần giải quyết. “Xã Ân Hảo Tây không đông dân, cũng không thiếu cán bộ nhưng người dân phải chờ đợi mỗi khi đến ủy ban vì cán bộ xã vẫn làm theo kiểu thích thì giải quyết, không thì chờ đấy, hoặc vừa làm công việc của xã vừa làm việc riêng” - ông Lê Đình Thiện (ngụ thôn Tân Sơn, xã Ân Hảo Tây) phản ánh.

Chủ tịch cũng không biết cấp dưới đi đâu

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định Trịnh Xuân Long, kết quả kiểm tra cho thấy 33 xã trên địa bàn tỉnh đều có tình trạng chấp hành kỷ luật, kỷ cương làm việc không nghiêm, thời gian làm việc không đảm bảo theo quy định. “Khi đoàn thanh tra hỏi những cán bộ vắng mặt đang đi đâu, làm gì, phần lớn lãnh đạo xã đều không biết. Điều đó thể hiện sự lỏng lẻo, không có quy chế tại UBND xã” - ông Long cho hay.

Tuy nhiên, theo phó giám đốc Sở Nội vụ, trước mắt Sở chỉ kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương tại các xã. Tỉnh cũng yêu cầu các huyện chỉ đạo các xã kiểm điểm những trường hợp vi phạm giờ làm việc, thiếu các quy tắc nội bộ, quy tắc phối hợp hoạt động công vụ.

“Đợt thanh tra vừa rồi chủ yếu đánh giá thực trạng bộ máy chính quyền địa phương để kiến nghị với cấp quản lý là UBND huyện kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương. Sắp tới Sở Nội vụ sẽ liên tục kiểm tra đột xuất, nếu địa phương nào tái phạm thì không nhắc nhở, phê bình nữa mà phải chiếu theo các quy định để xử lý kỷ luật cán bộ tùy theo mức độ vi phạm. Trách nhiệm trước tiên là người đứng đầu chính quyền địa phương. Chủ tịch xã để cán bộ bỏ việc mà không biết thì đương nhiên phải có trách nhiệm. Phải kiên quyết xử lý chứ đi kiểm tra, phát hiện sai phạm mà du di thì sao chấn chỉnh kỷ cương được!” - ông Long nói.

“Nhiều cán bộ chủ yếu chơi là nhiều!”

Theo ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn), thực tế hiện nay khối lượng công việc của các ngành cấp xã, nhất là các đoàn thể rất ít. Tuy nhiên, số lượng cán bộ lại nhiều hơn bên chính quyền.

Ông Huỳnh Công Khải, Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Tây, cho biết thêm: “Ở cấp xã, những cán bộ lĩnh vực nhà nước làm không xuể. Còn lại, nhiều cán bộ các ngành, đoàn thể thì lâu lâu chỉ làm vài việc. Nhiều cán bộ chủ yếu chơi là nhiều!”.

Theo đánh giá của đoàn thanh tra công vụ tỉnh Bình Định, qua kiểm tra 33 xã cho thấy việc bố trí cán bộ, công chức chưa hợp lý, công việc không nhiều nhưng bố trí số lượng người làm việc tương đối lớn.

“Lâu nay nhiều ý kiến cho rằng cán bộ ở cơ sở việc nhiều, cái gì cũng triển khai xuống cấp xã nhưng thu nhập thấp. Mỗi lần tiếp xúc cử tri là có kiến nghị tăng mức phụ cấp cho cán bộ xã. Qua kiểm tra, với tỉ lệ cán bộ công chức vắng mặt nhiều như vậy, nó phản ánh thực trạng là khối lượng công việc cần giải quyết hằng ngày ở cấp xã không phát sinh nhiều. Việc ít nhưng bố trí cán bộ nhiều như thế là không phù hợp” - ông Long nói.

Cũng theo phó giám đốc Sở Nội vụ, hiện nay lãng phí nhất là đội ngũ cán bộ không chuyên trách vì không phát huy hết năng lực làm việc. Mặt khác, việc quản lý đội ngũ cán bộ này còn nhiều bất cập, thiếu các quy tắc ràng buộc trách nhiệm.

Sắp xếp lại cán bộ xã theo đặc thù vùng miền

Sở Nội vụ tỉnh Bình Định đang xây dựng đề án sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cho phù hợp với khối lượng công việc, đặc điểm tình hình địa phương.

Ở vùng sâu, vùng xa, công việc phát sinh, giao dịch ít nhưng cứ bố trí cán bộ đủ các chức danh như hiện nay thì rất lãng phí. Không nên xã nào cũng có bao nhiêu cán bộ đó mà số lượng cán bộ phải phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, kể cả lấy tiêu chí trên đầu dân số. Chẳng hạn, miền núi sẽ khác với đồng bằng, đô thị

Ông TRỊNH XUÂN LONG, Phó Giám đốc Sở Nội vụ
tỉnh Bình Định

______________________________

30% Kết quả kiểm tra mới đây của đoàn thanh tra công vụ tại 33 xã trên địa bàn tỉnh Bình Định cho thấy có đến 30% cán bộ, công chức không đến trụ sở làm việc khi đoàn đến kiểm tra. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy có đến 52% cán bộ không chuyên trách vắng mặt.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy