Cần có quy chuẩn về đường sắt đô thị

Ngày 18-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Đường sắt (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng: Đường sắt đô thị được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội, TP.HCM. Tuy vậy, hiện nay hai thành phố này cũng chỉ đang xây dựng từng tuyến đường sắt riêng lẻ chứ chưa thể xây dựng ngay cả mạng lưới để phát huy hiệu quả của loại hình này.

Điều bất cập, theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, chính là việc các dự án đường sắt đô thị đang bị ràng buộc bởi nguồn vốn vay. Công nghệ của các tuyến đường sắt này cũng khác nhau, thiếu đồng bộ.

“Ở Hà Nội, tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh là công nghệ Trung Quốc, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội công nghệ Pháp và sắp tới là của Nhật. Ở TP.HCM cũng tương tự là công nghệ Đức và công nghệ Nhật” - đại biểu Thường dẫn chứng.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (TP Hà Nội) theo công nghệ của Trung Quốc.  Ảnh: INTERNET

Theo đại biểu Thường, các dự án đường sắt đô thị đều lần đầu triển khai, chưa có kinh nghiệm, “qua sông dò đá”, hoàn toàn chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế, kỹ thuật, suất đầu tư nên thực tế các dự án đều bị đội vốn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Mặt khác, các dự án với công nghệ khác nhau nên việc khai thác, vận hành, kết nối hệ thống, duy tu bảo trì, đào tạo nhân lực khó khăn và phí tổn hơn. Đồng thời, đường sắt đô thị đòi hỏi mức độ an toàn vận hành rất cao làm phát sinh rất nhiều lo lắng.

“Để bớt trả giá, tránh sai sót cần nhanh chóng ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về đường sắt đô thị” - đại biểu Thường đề nghị.

Về đường sắt cao tốc, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) ủng hộ Luật Đường sắt (sửa đổi) bổ sung một số quy định cơ bản về đường sắt tốc độ cao trong luật để làm cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị và đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sau này. Bởi theo đại biểu Cảnh, “có đường sắt tốc độ cao thì có thể tận dụng được lợi thế của giao thông đường sắt trong phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập các nước”.

Về nguồn vốn xây dựng đường sắt cao tốc, đại biểu Cảnh cho rằng không nên lo lắng. “Chúng ta không thiếu tiền để xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ tự sinh ra tiền, dự án không chỉ giúp phát triển ngành giao thông vận tải mà còn tạo ra một diện mạo mới cho 21 địa phương nơi dự án đó đi qua”. Theo ông Cảnh, 21 địa phương mà đường sắt đi qua sẽ xây dựng 21 trung tâm thương mại. Sau đó thu tiền từ bán đất nền thổ cư, cho thuê mặt bằng.

“Nếu thực hiện như vậy dự án sẽ không phải vay vốn, chủ động công nghệ phù hợp không phải phụ thuộc vào bất cứ nước nào” - đại biểu Cảnh nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm