Cần loại bỏ việc nhận dự án rồi “vòi vĩnh”

TP.HCM đang thiếu vốn cho nhu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Ước tính trong năm năm tới, thành phố cần 300.000 tỉ đồng (khoảng 15 tỉ USD) và đến năm 2020 con số này ước khoảng 40-45 tỉ USD. Mô hình hợp tác công tư (PPP, như cách giao dự án BOT cho PMC) sẽ là một giải pháp giải quyết nhu cầu vốn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở TP.HCM.

Cần loại bỏ việc nhận dự án rồi “vòi vĩnh” ảnh 1
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ảnh), Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận xét: Việc tư nhân góp vốn và chấp nhận chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro với nhà nước trong các dự án công là xu hướng hợp tác tại nhiều quốc gia hiện nay. Nhà nước rất cần huy động vốn nhưng cũng cần phải dự liệu những phát sinh trong quá trình hợp tác để giải quyết.

. Nhận xét của ông về hình thức đầu tư BOT hiện nay?

+ Phương thức đầu tư BOT ở nước ta đã diễn ra nhiều năm qua và phổ biến nhất là đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông. Cách làm phổ biến là tư nhân bỏ toàn bộ vốn đầu tư và được nhà nước đảm bảo một số điều kiện để họ thu hồi vốn, thông qua việc ấn định mức thu phí và thời hạn thu. Đây là hình thức hợp tác PPP cổ điển và chỉ thích hợp với những dự án có quy mô vừa và nhỏ, bởi dự án có quy mô lớn cần cùng lúc có nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia.

Cần loại bỏ việc nhận dự án rồi “vòi vĩnh” ảnh 2

Hợp đồng các dự án BOT cần được thiết lập chặt chẽ, tránh phát sinh để đảm bảo quyền lợi cho người dân và nhà nước. Ảnh: TAM ANH

Nguyên do là chúng ta thiếu pháp luật và cả kinh nghiệm trong việc thu hút nhiều nhà đầu tư tư nhân cùng bỏ vốn vào các dự án lớn, trong đó có cả vốn của nhà nước. Ngoài ra, qua các dự án BOT hiện nay cho thấy những phát sinh phức tạp đã gây ra e ngại cho cả nhà nước và tư nhân trong việc áp dụng phương thức này cho các dự án có quy mô lớn hơn.

. Xu hướng của nhà đầu tư thường tìm mọi cách tối đa hóa lợi nhuận thì có thể xảy ra việc nhà đầu tư sẵn sàng nhận dự án với tổng mức đầu tư không như kỳ vọng nhưng sau đó lại tìm mọi cách để đẩy giá dự án lên?

+ Ý muốn này là hoàn toàn chính đáng nếu họ tìm cách rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí… Nhưng một thực tế đang diễn ra là nhiều nhà đầu tư lại tìm nhiều biện pháp để nâng tổng vốn đầu tư lên. Điều này đồng nghĩa với số tiền nhà nước phải trả lại cho nhà đầu tư nhiều hơn và ở các dự án cầu, đường có tổ chức thu phí giao thông thì người dân sẽ phải trả phí cao hơn với thời gian kéo dài hơn so với thỏa thuận ban đầu. Cho nên ngay từ đầu, nhà nước phải thỏa thuận, phân định những trường hợp bất khả kháng (ngoài tầm kiểm soát, không thể dự liệu và khắc phục được) để có thể chấp nhận đề nghị, trợ giúp nhà đầu tư. Nhưng nếu nhà đầu tư cố tình tìm cách lợi dụng để tăng vốn thì phải xử lý kiên quyết theo hợp đồng.

. Cụ thể, ở dự án cầu Phú Mỹ, thành phố phải xử lý sao trước những đòi hỏi của chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ, PMC) mà nhiều sở, ngành đã khẳng định là không có cơ sở?

+ Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu trường hợp cụ thể này. Tuy nhiên, nguyên tắc chung cho những dự án BOT là dựa vào hợp đồng BOT đã ký, bởi hợp đồng là cơ sở pháp lý trực tiếp để chấp nhận hay bác bỏ những đề nghị của chủ đầu tư. Nếu rơi vào trường hợp bất khả kháng thì không nói nhưng nếu đòi tăng vốn trái hợp đồng thì không thể được chấp nhận.

.Qua câu chuyện cầu Phú Mỹ này, điều cần rút ra là gì, thưa ông?

+ Qua các dự án BOT với những đề xuất tăng phí, kéo dài thời gian thu phí cho thấy hợp đồng BOT giữa nhà nước và nhà đầu tư cần được thiết lập một cách chặt chẽ, dự liệu những phát sinh (về giá cả, nghĩa vụ của các bên…) có thể xảy ra nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, của nhà nước. Khi chọn lựa ban đầu, phải thận trọng và kiên quyết loại bỏ những nhà đầu tư không đủ năng lực vẫn nhận dự án để rồi “ăn vạ” với nhà nước, đòi tăng vốn đầu tư. Đồng thời, phải thực hiện tốt việc giám sát nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án cả về tiến độ, chất lượng, khối lượng, chi phí. Các cơ quan chức năng cũng cần có luật sư giỏi để tư vấn nhằm dự liệu được các tình huống và theo dõi quá trình thực hiện hợp đồng và giải quyết các phát sinh.

. Xin cảm ơn ông.

Nhanh nhảu đòi tăng phí

Song song với việc đòi tăng tổng mức đầu tư của dự án cầu Phú Mỹ, PMC lập tức soạn ra một phương án tài chính thu phí giao thông mới.

Theo phương án tài chính, mức thu phí qua cầu Phú Mỹ sẽ được điều chỉnh tăng dần theo những mốc thời gian cố định trong khoảng thời gian được thu phí là 26 năm. Nhưng mức tăng tối đa cũng chỉ gấp đôi so với mức phí cầu, đường được đầu tư bằng vốn ngân sách như quy định tại Thông tư 90/2004.

Hiện nay dù PMC đang được thu phí tạm nhưng mức thu đã cao hơn so với phương án tài chính kèm theo hợp đồng BOT đã ký. Nhưng PMC cho rằng vẫn chưa đủ và đề nghị từ năm 2011 được thu phí tăng gấp đôi so với hiện nay (trong khi phương án tài chính được duyệt thì phải đến năm 2016 mới được tăng gấp đôi), đồng thời lại còn muốn tiếp tục điều chỉnh tăng mức thu lên theo giá cả thị trường chứ không chốt ở mức tăng hai lần.

MINH PHONG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm