Cần mở rộng hơn cánh cửa việc làm cho người khuyết tật

Sáng 19-9, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội thảo tăng cường tiếp cận an sinh xã hội cho lao động là người khuyết tật.

TS Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng, Cục Bảo trợ xã hội, cho biết hiện cả nước có trên bảy triệu người khuyết tật. Do đó, việc đảm bảo an sinh xã hội cho người khuyết tật là hết sức quan trọng. “Nhà nước đã có các chính sách tốt như hỗ trợ việc làm, giúp người khuyết tật tham gia vào thị trường lao động, hỗ trợ sinh kế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Nhờ vậy đã có 800.000 người khuyết tật được trợ giúp…” - ông Toản nói.

người khuyết tật 1

Theo nghiên cứu, người khuyết tật càng nặng thì cánh cửa đối với việc làm ''tốt'', việc làm ''chính thức'' càng xa. Ảnh: VIẾT LONG

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) và tổ chức Hanns Seidel Foundation (Đức), người khuyết tật ở Việt Nam có nguồn vốn sinh kế kém, thiếu vốn tài chính để sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập. Cơ hội đi học của người khuyết tật bị hạn chế, thời gian đi học ngắn hơn so với lao động không khuyết tật ở các cấp học càng cao, khoảng cách này càng lớn.

Đặc biệt, người khuyết tật càng nặng thì cánh cửa đối với việc làm ''tốt'', việc làm ''chính thức'' càng xa. Lao động khuyết tật chủ yếu làm trong khu vực nông nghiệp, một lĩnh vực có thu nhập thấp, điều kiện sản xuất khắc nghiệt hơn các khu vực khác...

Vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng cần đổi mới quan điểm tiếp cận đối với người khuyết tật, mở rộng các chính sách hỗ trợ đến tất cả nhóm người khuyết tật dựa trên các nguyên tắc cơ bản về giáo dục, hỗ trợ, khuyến khích vươn lên.  Hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận giáo dục, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm...

Ngoài ra, cần đẩy mạnh vai trò của người khuyết tật, các tổ chức của người khuyết tật. Tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia vào các cơ quan, bộ ngành của Nhà nước, trong ban lãnh đạo của các công ty, doanh nghiệp...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm