Cần phân biệt lịch sử và truyền thuyết

Con cháu học lớp 9 - lớp cuối cấp nên có vẻ hơi căng thẳng, dù ngày nghỉ vẫn tranh thủ đem sách học thêm, trong khi mấy đứa kia ăn uống, đùa nghịch thoải mái. Bọn nhỏ kể đủ thứ chuyện khá ồn ào, nhân mấy đứa kể chuyện cô giáo dạy về các vua Hùng, con cháu lớp 9 nhà ở Pleiku (Gia Lai) buột miệng: “Cậu ơi, ở Công viên Đồng Xanh gần nhà con có tượng 18 vua Hùng uy nghi lắm, cao đến 6 m, kỷ lục Việt Nam đó cậu. Nhưng sao các vua Hùng sống lâu vậy? Tượng khắc đủ tên tuổi các vị, mỗi vị sống một trăm mấy chục tuổi lận, có thật không cậu?”. Tôi đang bối rối chưa biết trả lời sao thì nó lại hỏi thêm: “Mấy người làm tượng lấy sử liệu ở đâu vậy cậu?”. Tôi chợt nhớ, bảo: “Chắc họ lấy trong cuốnThế thứ các triều vua Việt Namcủa nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đó cháu”. Cuốn này do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, có viết đầy đủ tên, húy và năm sinh, năm mất từ thủy tổ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân đến các vua Hùng. Con nhỏ vẫn tỏ ra nghi ngờ, buông một câu: “Hồi xưa sao các ngài sống lâu quá vậy?”. Con nhỏ nghi ngờ cũng phải. Ngay sử gia Ngô Thì Sĩ trong cuốnĐại Việt tiêu án in năm 1775 đã viết: “Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế?”. Gần nhất, sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược in lần đầu năm 1920 cũng viết: “Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị vì được hơn 150 năm. Dẫu là người thượng cổ cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu được vậy!”.

Chỉ 18 đời vua Hùng mà kéo dài đến 2.622 năm (từ Kinh Dương Vương năm 2879 TCN đến hết Hùng Vương thứ 18 năm 250 TCN - năm bị Thục Phán An Dương Vương thôn tính). Có giả thuyết cho rằng không phải 18 đời vua mà là 18 chi, mỗi chi có thể có nhiều vua, góp lại là 2.622 năm. Nhưng thiết nghĩ dù là 18 đời vua hay 18 chi với nhiều vua mỗi chi thì cũng không thể khẳng định năm sinh, năm mất, bởi bấy giờ chưa chép sử, chỉ là truyền khẩu nên chỉ có thể coi như truyền thuyết thôi. Mà truyền thuyết thì chỉ có thể nói rằng “vào thời đó” hoặc “sống khoảng”... chứ không nên khẳng định năm tháng, như Kinh Dương Vương húy Lộc Tục (2879-2794 TCN); Hùng Hiền Vương - Lạc Long Quân (2793-2535 TCN)...

Tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng đã được UNESCO công nhận là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, đại diện của nhân loại” nên chúng ta càng hãnh diện và trân trọng ngày giỗ tổ Hùng Vương. Nhưng thiết nghĩ các nhà sử học và nhất là Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cần phải can đảm nhìn thẳng và nói thẳng điều nào là lịch sử, điều nào là truyền thuyết để mọi người, nhất là thế hệ trẻ hôm nay vốn đang rất thờ ơ với lịch sử nước nhà, có được niềm tin vào lịch sử, yêu quý truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha. Bởi hơn bao giờ hết, bây giờ là thời đại bùng nổ thông tin trong một thế giới phẳng lại càng phải minh bạch, rõ ràng hơn mới tạo được niềm tin cho mọi người. Không nên tạo sự nghi ngờ như lời đứa cháu 15 tuổi của tôi.

Năm 1988, vừ̀a bước qua thời kỳ đổi mới tư duy, Giáo sư sử học Hà Văn Tấn đã viết trên báo Tổ Quốc một bài viết làm rúng động giới sử học bấy giờ. Đó là bài “Lịch sử, sự thật và sử học”. Trong đó, sau khi cẩn thận trích dẫn nhiều câu của Mác, của Lênin, ông phê phán thẳng thừng nhiều nhà viết sử, xin trích một đoạn ngắn: “Cũng thường thiên lệch, khi chúng ta đánh giá các nhân vật lịch sử. Con người là cả một hệ thống những mối liên hệ phức tạp, bị quy định bởi các điều kiện xã hội, tự nhiên và lịch sử. Thiếu một sự đánh giá xuất phát từ chủ nghĩa lịch sử dường như là căn bệnh chung của chúng ta. Một số người đã chê trách các nhân vật lịch sử vì họ không giống ta. Một số lại quá yêu các nhân vật đó, đến chỗ tư duy và hành động của họ cứ y như là họ đã được học tập chủ nghĩa Mác-Lênin”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm