Cần thêm cơ chế, chính sách cho Cần Thơ phát triển nhanh

Tại hội nghị tổng kết thi đua năm thành phố trực thuộc trung ương tháng 3-2015, TP Cần Thơ được chọn là một trong hai đơn vị dẫn đầu thi đua trong năm 2014, được đề nghị tặng cờ thi đua của Chính phủ. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Trần Thanh Mẫn (ảnh)cho biết để phát triển nhanh hơn, Cần Thơ không chỉ nỗ lực tự thân mà cần có hỗ trợ về chính sách từ trung ương.

Trong 10 năm, thu nhập đầu người tăng bảy lần

. Phóng viên:Thưa ông, Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị (2005) định hướng Cần Thơ là đô thị động lực phát triển vùng ĐBSCL, vậy sau 10 năm Cần Thơ thể hiện vai trò đó như thế nào?

Cần thêm cơ chế, chính sách cho Cần Thơ phát triển nhanh ảnh 1
+ Ông Trần Thanh Mẫn: Có thể nói sau 10 năm trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Cần Thơ đã có nhiều đổi thay rõ nét. Hiện GDP bình quân tương đương 3.636 USD/người/năm (khoảng 79 triệu đồng/người/năm), tăng bảy lần so với năm 2004. Để có được con số GDP bình quân đầu người tăng gấp bảy lần như thế thì giá trị công nghiệp sau 10 năm đã tăng gần chín lần. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển góp phần cho thu ngân sách đạt trên 17.300 tỉ đồng, tăng gấp năm lần và hiện là một trong 13 tỉnh, thành có điều tiết ngân sách về trung ương.

Nhờ vào nguồn thu nội địa khá nên sức mua của thị trường ở Cần Thơ đứng thứ ba cả nước, sau TP.HCM và Hà Nội.

Còn nhớ vào năm 2005, Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã đánh giá Cần Thơ huy động vốn đầu tư xã hội còn quá thấp so với bình quân chung cả nước và các thành phố trực thuộc trung ương. Nhưng giai đoạn 2004-2015, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt gần 280.000 tỉ đồng (tương đương 13 tỉ USD). Riêng năm 2015 ước xấp xỉ 60.000 tỉ đồng.

Sau 10 năm trực thuộc trung ương, đô thị bên dòng sông Cần Thơ đã đổi thay vượt bậc. Ảnh: GIA TUỆ

Dự án hồ Xáng Thổi giữa lòng đô thị đã cải thiện tốt môi trường sống người dân. Ảnh: DUY KHƯƠNG

Với vị trí trung tâm khu vực ĐBSCL, Cần Thơ hiện có nhiều trường đại học, trong đó có Trường ĐH Cần Thơ đạt chuẩn mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á. Hệ thống trường này thu hút gần 150.000 sinh viên, góp phần không nhỏ cho đào tạo nguồn nhân lực khu vực ĐBSCL.

Về y tế thì nhiều bệnh viện chuyên tại Cần Thơ như Nhi đồng, Răng Hàm Mặt, Mắt, Phụ sản, Ung bướu… đáp ứng khá tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Cần Thơ và cả khu vực ĐBSCL.

. Những phát triển vượt bậc đó làm thay đổi lớn bộ mặt đô thị, đời sống người dân nhưng vẫn có ý kiến cho rằng Cần Thơ phát triển chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế của mình, ông nghĩ thế nào?

+ Hơn 10 năm qua, trung ương và Cần Thơ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt các công trình như cầu Cần Thơ, cảng Cái Cui, sân bay quốc tế Cần Thơ, trung tâm nhiệt điện Ô Môn, khu đô thị Nam Cần Thơ, đường Bốn Tổng - Một Ngàn, đại lộ Võ Văn Kiệt, cải tạo hồ Xáng Thổi, rạch Tham Tướng… Qua đó làm đổi thay lớn bộ mặt đô thị, đời sống người dân.

Tuy kinh tế tăng trưởng nhưng nhìn lại thì chất lượng và quy mô chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của thành phố. Thứ nhất, Cần Thơ còn yếu về nguồn nhân lực. Thứ hai, kết cấu hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ. Thứ ba, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật chưa nhiều. Thứ tư, tuy là đô thị loại I nhưng điểm xuất phát thấp, 60% diện tích nông nghiệp. Thành phố vẫn chưa có cơ chế, chính sách đặc biệt về ngân sách, tài chính, thu hút đầu tư... tạo đột phá trong quá trình phát triển.

Tập trung mọi nguồn lực tăng sức cạnh tranh

.Với một đô thị có thế mạnh về cảng hàng không quốc tế, cảng biển, trường đại học có vị trí trong khu vực, vùng ĐBSCL và tới đây thêm cầu Vàm Cống, chúng ta đã hoạch định gì để tạo đột phá đưa Cần Thơ trở thành trung tâm, cửa ngõ và đầu mối giao lưu, buôn bán, hợp tác với nước ngoài của các tỉnh ĐBSCL?

+ Cần Thơ sẽ tận dụng mọi cơ hội, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững, có hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, phấn đấu đưa Cần Thơ trở thành cửa ngõ và đầu mối giao lưu, buôn bán, hợp tác với nước ngoài của các tỉnh ĐBSCL.

Tuy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thuận lợi đúng hướng nhưng mũi nhọn chúng tôi hướng đến là thương mại, dịch vụ. Thương mại chú ý vào lĩnh vực phân phối các sản phẩm hàng hóa có tính chất vùng, liên vùng. Tập trung đầu tư hoàn thiện nhằm khai thác tốt hơn lợi thế sân bay quốc tế Cần Thơ, cảng Cái Cui. Chẳng hạn có sân bay nhưng chưa mở nhiều đường bay để xuất nhập hàng hóa trong nước và quốc tế. Muốn cảng phát huy thế mạnh thì phải thông luồng Định An qua kênh Quan Chánh Bố, cho tàu 20.000-30.000 tấn ra vào. Hiện nay một tấn hàng hóa đi lên TP.HCM phải mất 7-10 USD, nếu cảng thông luồng, giảm chi phí một năm khoảng vài trăm ngàn USD cho vùng ĐBSCL.

Về du lịch, đang chú trọng đẩy mạnh khai thác du lịch hội nghị để tận dụng thế mạnh về nhà hàng, khách sạn, trung tâm hội nghị với nhiều hội nghị khu vực, trung ương tổ chức tại Cần Thơ, rồi du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, chữa bệnh… Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam lớn nhất miền Tây Nam Bộ vừa khánh thành đáp ứng phần nào du lịch tâm linh. Về y tế tập trung đầu tư các cơ sở y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân vùng ĐBSCL…

Tuy chưa thật sự hài lòng nhưng qua những con số đã minh chứng sự chuyển biến, bứt phá đi lên của Cần Thơ sau 40 năm giải phóng, đặc biệt là 10 năm trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Đó là động lực, là niềm tin cho những bước tiếp theo của một đô thị năng động hơn trong tương lai.

. Xin cám ơn ông.

Cần Thơ đang khẳng định là đô thị động lực vùng ĐBSCL

Với lợi thế trong khu vực về cảng hàng không quốc tế, cảng biển, về hệ thống y tế, cơ sở giáo dục…, Cần Thơ đang ngày càng thể hiện rõ vai trò một đô thị trung tâm vùng ĐBSCL, nhất là sau 10 năm trở thành đô thị trực thuộc trung ương.

Về lâu dài, Cần Thơ cần thể hiện rõ hơn vai trò đô thị động lực vùng trong thu hút đầu tư, trong vai trò đầu mối phân phối các sản phẩm hàng hóa có tính chất vùng, liên vùng, nhất là trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa nông sản qua cảng biển và cảng hàng không quốc tế. Mở rộng liên kết với các tỉnh khu vực ĐBSCL để phát triển một cách hài hòa, bền vững. Bên cạnh đó trung ương cần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đặc biệt để Cần Thơ phát triển nhanh hơn.

Ông NGUYỄN PHONG QUANG,
Phó ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm