Căng mình đối phó cơn bão bất thường

Đến chiều 16-7, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo: Trong đêm 16 đến 20-7, lũ sẽ xuất hiện ở thượng lưu hệ thống sông Hồng, ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình lũ lên cao 4-6 m. Rạng sáng nay, bão số 2 sẽ đổ bộ vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Nhiều địa phương căng mình chống cơn bão có tên quốc tế là Talas này.

Cơn bão khó lường

Tại phiên họp trực tuyến với các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng trực tiếp cơn bão số 2 ngày 16-7, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đề nghị các địa phương cấm biển, sơ tán dân vùng nguy cơ mất an toàn. Ông nhận định: “Với những diễn biến bất thường của bão số 2, khoảng 4 giờ sáng 17-7 bão vào bờ nhưng có thể đến sớm hoặc muộn hơn với cường độ bão cấp 9, tức khoảng 90 km/giờ”.

Ông lưu ý 1.350 hồ lớn nhỏ ở ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có nhiều hồ thiếu an toàn. Các đơn vị xả lũ phải thông tin sớm cho chính quyền liên quan để kịp di dời dân.

Đại tá Lê Thanh Sơn, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng, thông tin: Hơn 2.000 tổ bộ đội biên phòng đã xuống các địa phương cùng dân ứng phó với bão. Toàn bộ tàu thuyền ngoài biển đã nhận được thông tin về bão.

Theo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, đây là cơn bão diễn biến khó lường. Với nhiều công trình thủy điện, thủy lợi đang dang dở, các địa phương cần chủ động theo dõi, ứng phó.

Ngư dân neo đậu tàu thuyền vào nơi trú an toàn tại âu thuyền huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Ảnh: TTXVN

Căng mình chống bão

Trong chiều 16-7, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết 1.700 tàu thuyền với khoảng 8.000 lao động đang khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn. “Địa phương đang lo hơn 120 hồ không đảm bảo an toàn” - ông nói.

Tỉnh đã có công điện chỉ đạo sẵn sàng sơ tán dân khi có lệnh ở vùng có nguy cơ sạt lở, vùng cửa sông, ven biển đồng thời thực hiện các biện pháp sẵn sàng ứng cứu khẩn cấp khi có sự cố xảy ra.

Nghệ An, chiều 16-7, trời đã ngớt mưa giông, ít gió. Công nhân gấp rút chặt tỉa cành cây trên các tuyến đường. Nghệ An đã gọi 3.900 tàu thuyền vào bờ neo đậu (đạt 100%). Có một ít tàu thuyền ngoài tỉnh đang trên đường vào Nghệ An tránh bão.

Bão chưa đổ bộ nhưng những ngày qua Nghệ An có mưa giông khiến quốc lộ 48 và quốc lộ 16, tỉnh lộ 532 bị sạt lở, nhiều đoạn đường bị vùi lấp. Gần 130.000 ha lúa, hoa màu và gần 20.000 ha nuôi trồng thủy sản có nguy cơ mất trắng.

Tại Hải Phòng, Chánh Văn phòng UBND TP Hải Phòng Nguyễn Kim Pha cho biết trong chiều 15-7, chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có công điện khẩn gửi các địa phương ứng phó với cơn bão số 2. Hải Phòng đã lập ban chỉ đạo phòng chống thiên tai để đối phó với bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Địa phương đã kiểm đếm, thông báo cho gần 3.000 tàu thuyền, hàng ngàn người làm việc trên các lồng bè, chòi canh trú tránh…

• Trưa 16-7, người dân phát hiện cá heo con dài hơn 2 m, nặng khoảng 50 kg đang mắc cạn ở bờ biển thuộc xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An) nên giải cứu, ôm con cá mắc cạn trả về cho biển cả.

• 18 chuyến bay đến Vinh, Đồng Hới bị hủy. Theo Vietnam Airlines, bốn chuyến trên đường bay giữa Hà Nội/TP.HCM và Vinh trong tối 16-7. Jetstar Pacific có bốn chuyến, VASCO hai chuyến, Vietjet Air có tám chuyến.

• Hàng trăm du khách ở Quảng Ninh mắc kẹt trên các đảo Minh Châu - Quan Lạn, còn ở Cô Tô có khoảng 3.000 du khách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm