Cấp "hạn sử dụng" cho chung cư?

Các giải pháp này được đặt ra tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10-3 nhằm mục đích “giảm giá nhà, phù hợp với khả năng chi trả của người dân”.

Lập quỹ phát triển nhà ở xã hội?

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Luật Nhà ở hiện hành chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích để các thành phần trong xã hội đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê nên giá bán nhà vẫn vượt khả năng chi trả của người dân. Vì thế, để đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội cho thuê và đáp ứng các điều kiện cũng như khả năng chi trả của người dân, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đề xuất lập quỹ phát triển nhà ở xã hội. “Đây là tổ chức tài chính nhà nước của địa phương do UBND cấp tỉnh thành lập để hỗ trợ vốn cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội và các đối tượng được tham gia phát triển nhà ở xã hội” - ông Dũng trình bày.

Cũng theo ông Dũng, nguồn vốn hình thành quỹ này gồm: Tiền thu được từ việc bán, cho thuê và cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn; ngân sách nhà nước đầu tư; tiền hỗ trợ, tiền đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và tiền huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

 
Một số ý kiến  chưa đồng thuận đề xuất lập quỹ phát triển nhà ở xã hội. Trong ảnh: Chung cư Tô Hiến Thành, quận 10, TP.HCM là một trong những dự án nhà ở xã hội vừa mới đưa vào sử dụng. Ảnh: HTD

Nhìn nhận về đề xuất trên, ở góc độ là cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn quy định trên sẽ tạo ra một tổ chức tài chính nhà nước ở 63 tỉnh, thành. “Làm việc ở quỹ này sẽ gồm bao nhiêu người, tiền lương và các chi phí khác mà ngân sách phải chi trả sẽ tăng thêm bao nhiêu, có sự liên hệ nào với chính sách tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức hiện nay hay không? Việc tổ chức và hoạt động của quỹ này sẽ được thực hiện theo quy định nào của pháp luật? Cơ chế huy động vốn và cho vay có thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng hay không?” - ông Lý nêu hàng loạt câu hỏi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại thành lập càng nhiều quỹ thì càng phân tán nguồn lực. “Chúng tôi đang nghiên cứu để tới đây sẽ sửa đổi các luật nhằm hạn chế hình thành ra các quỹ. Bởi qua theo dõi cho thấy các quỹ này thu như ngân sách nhà nước nhưng chi thì không rõ ràng” - ông Hiển nêu ý kiến.

Cấp “hạn sử dụng” cho chung cư?           

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cung cấp thông tin: Hiện nay, nhà chung cư có thời hạn sử dụng khác nhau theo phân cấp công trình. Thế nhưng Luật Nhà ở hiện hành lại chưa có quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư để làm cơ sở pháp lý nên Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn trong việc di dời, phá dỡ hoặc cải tạo, xây dựng lại khi nhà ở này hết niên hạn sử dụng mà bị xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Vì thế, dự thảo đề xuất quy định nhà chung cư có thời hạn sử dụng nhất định (giao cho Chính phủ quy định sau). Khi chung cư hết thời hạn sử dụng thì Nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm định lại chất lượng công trình. Nếu chung cư còn bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng thì chủ sở hữu được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trong kết quả kiểm định. Ngược lại, nếu chung cư không còn đảm bảo an toàn cho người sử dụng thì chủ sở hữu phải có trách nhiệm phá dỡ để xây dựng lại theo đúng quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nếu chủ sở hữu không phá dỡ thì Nhà nước thực hiện cưỡng chế phá dỡ theo quy định.

Ngoài ra, để giúp người dân có nhiều sự lựa chọn sở hữu khác nhau, dự thảo đề xuất bổ sung quy định cho phép các bên tham gia giao dịch mua bán nhà ở có thể thỏa thuận để bên mua được sở hữu nhà ở trong một thời hạn nhất định. “Biện pháp này sẽ góp phần giảm giá bán nhà ở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân có thể lựa chọn hình thức sở hữu nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của mình” - ông Dũng nói.

Theo lịch trình, tháng 5 tới đây, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi sẽ được trình ra xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 7.

THÀNH VĂN

 

Mua bán nhà qua sàn: Chưa rõ có bắt buộc hay không

Cùng ngày, thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay hiện nay không có nước nào trên thế giới bắt buộc việc mua bán nhà, đất phải qua sàn kinh doanh bất động sản. Do đó, cần sửa đổi các quy định theo hướng không bắt buộc giao dịch thông qua sàn bất động sản (SBĐS).

Ủng hộ đề xuất này, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc bắt buộc giao dịch qua SBĐS chỉ làm tăng thêm tổ chức kinh doanh dịch vụ trung gian, tăng thêm thủ tục, chi phí. Vì thế nên để doanh nghiệp và khách hàng quyết định có giao dịch qua sàn hay không.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại cho rằng SBĐS là biểu hiện bậc cao của thị trường BĐS. Chỉ có qua sàn thì hoạt động giao dịch BĐS mới công khai, minh bạch, các sản phẩm qua sàn giao dịch sẽ được thẩm định giá trị, chất lượng. “Kinh doanh sàn giao dịch là nơi đôi bên gặp nhau để giao dịch nhưng hiện nay lại giao cho sàn nhiều công việc quá. Sàn là nơi đảm bảo người đưa hàng lên bán phải đảm bảo tư cách và hàng đưa lên sàn phải đảm bảo chất lượng chứ không phải sàn là nơi kinh doanh môi giới” - ông Hùng lưu ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm