Cấp số định danh cá nhân: ‘Cách mạng’ quản lý dân cư

“Tính đến 8 giờ ngày 8-1, có 1.525 trẻ được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân” - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2016 và định hướng nhiệm kỳ 2016-2020.

“Chỉ trong năm phút”

Đây là kết quả của việc triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và phần mềm cấp số định danh cá nhân tại bốn TP trực thuộc trung ương (gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng) từ thời điểm 1-1. Theo ông Khanh, sau thí điểm (dự kiến hết quý I-2016) sẽ tiến hành sơ kết, hoàn thiện để báo cáo lãnh đạo hai bộ Tư pháp và Công an cho phép triển khai trên diện rộng trong năm 2016 nếu có đủ các điều kiện cần thiết.

Trao đổi bên hành lang hội nghị, ông Khanh cho hay lợi ích của việc cấp giấy khai sinh qua máy và cấp mã số định danh cá nhân giúp trẻ sau này được cấp bản sao giấy khai sinh rất thuận lợi, chỉ cần cung cấp mã số định danh cá nhân mà không phải cung cấp bất cứ giấy tờ nào khác. Cạnh đó, ngành bảo hiểm cũng sẵn sàng kết nối với phần mềm để cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ em dưới sáu tuổi.

Theo quy trình, người dân vẫn thực hiện đăng ký khai sinh theo thủ tục thông thường được pháp luật quy định. Sau khi đăng ký vào sổ giấy, cán bộ tư pháp xã nhập thông tin chuẩn vào phần mềm và kiểm tra hai lần. “Khi thấy thông tin đã chuẩn xác sẽ chuyển dữ liệu đó tới trung tâm của Bộ Tư pháp, thông tin này được chuyển sang Bộ Công an để cấp mã số định danh cá nhân, toàn bộ quy trình đều cấp tự động. Số liệu đăng ký khai sinh thay đổi từng phút một, cứ 30 giây quét một lần” - ông Khanh cho biết thêm.

Theo ông Khanh, với quy trình cấp mã số như vậy, mỗi trường hợp đăng ký chỉ tốn khoảng năm phút là có mã số định danh cá nhân.

“Việc triển khai thí điểm bước đầu không tránh khỏi phát sinh một số trục trặc, vướng mắc nhưng đây quả là “cuộc cách mạng” trong phương thức quản lý dân cư của đất nước chúng ta. Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn từ hôm 1-1 đến giờ, chúc mừng bước đầu thành công này. Vướng mắc thì chúng ta tiếp tục tìm cách tháo gỡ” - Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói.

Làm thủ tục đăng ký hộ tịch tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD

Phải nhập thông tin chuẩn xác

“Trục trặc” phát sinh đầu tiên là việc ở một số địa phương, do cán bộ chưa quen phần mềm, kỹ năng xử lý chậm. Thứ hai là không tránh khỏi một số trường hợp đăng ký sai, có khoảng 3-4 trường hợp sai trong số hơn 1.000 trường hợp đăng ký.

“Yêu cầu cao nhất là cán bộ tư pháp hộ tịch phải nhập chuẩn, nhập chính xác. Nếu không, thông tin vào cơ sở dữ liệu dân cư sai sẽ phải thực hiện cải chính hộ tịch rất phức tạp, phải hủy bỏ số định danh cá nhân và không ai được sử dụng số đó nữa” - ông Khanh nói.

Theo lãnh đạo Cục Hộ tịch, sức ép đối với 59 tỉnh, thành còn lại là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu khi triển khai trên diện rộng. Các tỉnh, thành này hiện đang sử dụng phần mềm riêng của họ. Nếu phần mềm này kết nối và chia sẻ được thông tin với cơ sở dữ liệu chuẩn của Bộ Tư pháp thì qua cơ sở dữ liệu của Bộ vẫn lấy được mã số định danh cá nhân.

“Thời điểm nào có thể thực hiện cấp mã số định danh cá nhân trên cả nước thì còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng của Bộ. Theo nguyên tắc quản lý tập trung, cơ sở hạ tầng phải đủ để có thể chứa được toàn bộ thông tin hộ tịch” - ông Khanh nói.

Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật

Phát hiện trên 1.180 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.

Tại hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2016, Bộ Tư pháp nhận định tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn phổ biến: Đến cuối năm 2015 còn nợ 33 văn bản (tăng 15 văn bản so với năm 2014). Số lượng văn bản bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh rất ít, gây ảnh hưởng không tốt đến công tác tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh, đến quyền, lợi ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong khi đó, số lượng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do các bộ, ngành, UBND ban hành còn quá nhiều.

Bộ Tư pháp cũng thừa nhận chất lượng thẩm định văn bản QPPL tuy đã được cải thiện một bước nhưng vẫn còn để lọt nội dung thiếu khả thi, chưa hợp lý. Việc kiểm tra văn bản QPPL ở một số bộ, cơ quan, địa phương vẫn còn chậm và chưa thường xuyên, nhiều văn bản ban hành nhưng chưa được kiểm tra, phát hiện kịp thời sai sót. Qua kết quả kiểm tra 10 tháng đầu năm 2015, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã phát hiện trên 1.180 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền, đã xử lý xong 442 văn bản.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị về định hướng công tác tư pháp nhiệm kỳ 2016-2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả giai đoạn tới là chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật.

Ông Cường cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, thường xuyên rà soát, đơn giản hóa TTHC, công bố công khai, minh bạch TTHC; triển khai việc nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện. “Đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai các giải pháp cụ thể để thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC, góp phần hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu” - ông Cường nói.

Một nhiệm vụ đáng chú ý khác của ngành tư pháp trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, trong đó tập trung thực hiện việc chuyển đổi mô hình hoạt động các phòng công chứng, văn phòng công chứng theo quy định của Luật Công chứng; tạo điều kiện để các nghề tư pháp như thừa phát lại, quản tài viên hoạt động ổn định và ngày càng phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm