Cầu, đường khan vốn, chờ nguồn tư nhân

Cầu, đường khan vốn, chờ nguồn tư nhân ảnh 1
 
“Nguồn vốn ODA dần co hẹp, trong khi đó vốn ngân sách phần lớn chi cho bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, trả nợ vốn vay ODA nên rất khó bù vào phần thiếu hụt. Do đó, chắc chắn phải đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn khác. TP sẽ đa dạng hóa đầu tư vào lĩnh vực GTVT và công chính, cùng với nhà đầu tư xác định hướng đầu tư hợp lý, hiệu quả nhằm đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư; đồng thời giải quyết những tắc nghẽn, quá tải, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, bảo đảm cho TP phát triển nhanh, bền vững” - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Tất Thành Cang chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.

Hiệu quả từ vốn tư nhân

. Ông có thể đánh giá về hiệu quả từ việc thu hút vốn tư nhân đầu tư xây dựng cầu, đường trong thời gian qua?

+ Trong năm qua, nhiều công trình giao thông đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa như cầu Sài Gòn 2, một đoạn đường Phạm Văn Đồng, cầu vượt tỉnh lộ 10 - quốc lộ 1… được đưa vào khai thác.

Việc tư nhân đầu tư, xây dựng cầu, đường vừa giải quyết bài toán giao thông đô thị, vừa góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Một số dự án đã tạo điều kiện cho ngành cầu đường tiếp cận, khai thác công nghệ - khoa học tiên tiến của nước ngoài (như cầu vòm Nielsen ở dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, cầu dây văng ở dự án xây dựng cầu Phú Mỹ…).

 Cầu vượt nút giao quốc lộ 1 - tỉnh lộ 10, một công trình đầu tư theo hình thức BOT hoàn thành trong năm 2013. Ảnh: MP

Thông qua việc thu hút đầu tư, TP còn tận dụng được phần vốn ứng trước để bồi thường giải phóng mặt bằng (120 triệu USD ở dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, 125 tỉ đồng ở dự án xây đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào KCN Phú Hữu…) giúp TP tập trung ngân sách thực hiện các nhiệm vụ khác.

. Đều do tư nhân đầu tư, cùng là hình thức BT nhưng cầu Sài Gòn 2 về đích sớm còn dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai chậm trễ, kinh nghiệm ở đây là gì?

+ Hai dự án cùng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng cách hoàn trả chi phí đầu tư khác nhau. Trong đó với đặc thù của hợp đồng BT hoàn trả bằng quỹ đất hoặc hỗn hợp quỹ đất và tiền, cần phải làm tốt từ việc quy hoạch sử dụng đất, nhằm tạo nguồn hoàn trả cho nhà đầu tư. Điều quan trọng nữa là khâu chuẩn bị đầu tư và thực hiện, nhất là bồi thường, giải phóng mặt bằng phải được quan tâm, nhằm đảm bảo việc thi công về sau được thuận lợi.

Đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư

. Sắp tới, TP mà cụ thể là Sở GTVT có những cam kết hoặc kiến nghị gì để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư?

+ TP cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức tài chính lớn, có uy tín như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Châu Á (ADB), JICA… nhằm tìm vốn tài trợ để lập báo cáo nghiên cứu khả thi bằng nguồn vốn không hoàn lại, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng, hỗ trợ vốn vay thương mại ưu đãi, bảo lãnh tín dụng... Ngoài ra, Chính phủ và TP cần hoàn thiện chính sách ưu đãi, tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư an tâm bỏ vốn.

. Sự chậm trễ giải phóng mặt bằng là trở ngại lớn cho việc kêu gọi đầu tư, theo ông cần phải giải quyết vấn đề này ra sao?

+ Thời gian qua, các dự án không bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc không vướng vấn đề này (cầu Sài Gòn 2 - NV) đều đảm bảo, thậm chí vượt tiến độ. Theo tôi, cần hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, đơn giá bồi thường đất, tài sản gắn liền đất, đảm bảo quyền lợi người sử dụng đất; cơ chế chính sách nhằm giải quyết tốt về pháp lý đất đai, tái định cư… Ngoài ra, cần đảm bảo nơi tái định cư có cơ sở hạ tầng bằng hoặc tốt hơn nơi cũ, việc giải quyết các vấn đề an sinh - xã hội nhằm tạo công ăn, việc làm, giải quyết nhu cầu y tế, giáo dục và các tiện ích cho cuộc sống của người dân sau giải tỏa.

. Xin cảm ơn ông.

MINH PHONG

Chậm trễ mặt bằng, tăng rủi ro cho nhà đầu tư

Việc khép kín tuyến đường Vành đai 2 là nhiệm vụ hàng đầu của TP.HCM. Dự kiến sau khi làm việc với các nhà đầu tư tìm biện pháp huy động vốn, trong năm 2014-2015 TP sẽ đầu tư cầu Rạch Chiếc và đoạn nối cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Bình Thái. Các dự án đường nối từ nút giao thông Bình Thái đến quốc lộ 1A, đường vành đai phía Nam (đều thuộc Vành đai 2), mở rộng quốc lộ 22, tỉnh lộ 15, đường hướng tâm Tây - Bắc và các tuyến xe điện mặt đất tuyến số 1, 2, 3… là những dự án mà TP đang ưu tiên kêu gọi đầu tư.

Do kinh tế suy thoái, nhà đầu tư nước ngoài thu hẹp nguồn vốn, ưu tiên đầu tư ngắn hạn, điều này gây hạn chế trong việc bỏ vốn vào lĩnh vực cầu, đường. Ngoài ra, việc quy hoạch sử dụng đất còn bất cập, cào bằng khiến việc tạo quỹ đất hoàn trả kinh phí không theo kịp tiến độ đầu tư, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, chậm trễ làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm