Câu hỏi lớn về tài sản quan chức Yên Bái

Ngày 30-6, vấn đề tài sản “khủng” được cho là của gia đình Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái - Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu và Giám đốc Sở TN&MT Phạm Sĩ Quý đã được các quan chức tỉnh và Thanh tra Chính phủ trả lời báo chí.

Tướng công an: UBKT Trung ương mới có thẩm quyền

Cụ thể, về tài sản nhà, đất được cho liên quan đến ông Đặng Trần Chiêu, tại tổ 44, phường Yên Ninh, TP Yên Bái, ông Chu Đình Ngữ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Yên Bái, cho biết tỉnh đã giao các cơ quan của tỉnh kiểm tra, xác minh thông tin. Sau khi có kết quả kiểm tra, xác minh, UBND tỉnh Yên Bái sẽ thông tin báo chí.

Cách trả lời này cũng khá giống với hồi đáp của Trung tướng Nguyễn Văn Lưu, Chánh Thanh tra Bộ Công an, trong cuộc họp báo của Bộ tổ chức sáng 28-6. Theo đó, Bộ sẽ tiến hành nắm tình hình, căn cứ luật thanh tra và các quy định của Chính phủ về kê khai, minh bạch tài sản, nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành thanh tra, làm rõ. Khi có kết luận thanh tra, Bộ sẽ có thông tin chính thức tới các cơ quan báo chí.

Một nguồn tin cấp vụ từ Thanh tra Chính phủ cho rằng: “Ông Chiêu là thiếu tướng, giám đốc công an tỉnh. Cán bộ cỡ đó, theo phân cấp quản lý cán bộ thì thuộc diện Ban Bí thư quản lý. Và như thế, chỉ có Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, Ban Bí thư mới có thẩm quyền quyết định kiểm tra về vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập” - nguồn tin nói.

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, cũng xác nhận như vậy. Theo ông, trong lực lượng vũ trang, mỗi chức vụ đều gắn theo trần quân hàm nhất định. Phân cấp quản lý cán bộ chủ yếu gắn theo quân hàm: Cùng một chức vụ nhưng quân hàm cấp tướng trở lên thì do Ban Bí thư, thậm chí Bộ Chính trị quản lý.

Vấn đề này cũng được minh định trong văn bản của Bộ Chính trị về “kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý” ban hành cuối tháng 5-2017. Theo đó, cấp có thẩm quyền kiểm tra với cán bộ cỡ tướng Chiêu ít nhất phải là UBKT Trung ương.

Khu biệt phủ của gia đình giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái nhìn từ trên cao. Ảnh: VNEXPRESS

Thanh tra tài sản hình thành từ năm 2010 đến nay

Cuộc thanh tra đột xuất mà Thanh tra Chính phủ triển khai mấy ngày nay liên quan đến vấn đề tài sản của gia đình ông Phạm Sĩ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, cũng đang có những câu hỏi lớn về phạm vi cuộc thanh tra.

Theo quyết định thanh tra, cuộc thanh tra này chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan tới khu đất của gia đình ông Quý tại tổ 42 và 52, phường Minh Tân, gồm việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng và việc kê khai tài sản liên quan đến thửa đất.

Trong khi đó, theo tài liệu kê khai tài sản năm 2016 của ông Quý thì không có bất kỳ tài sản nào ở khu vực tổ 42 và 52, phường Minh Tân. Từ đây đặt ra nghi vấn ông Quý không kê khai đầy đủ tài sản và ngoài tài sản ở tổ 42 và 52 thì đoàn thanh tra có “với tới” tài sản ở các nơi khác, có liên quan đến gia đình ông Quý hay không?

Cũng theo quyết định thanh tra, thời kỳ thanh tra tính từ 1-1-2010 đến tháng 6-2017, khi cần thiết có thể xem xét trước và sau thời kỳ nêu trên. Như vậy, sẽ thanh tra việc kê khai tài sản không chỉ theo bản kê khai năm 2016 nêu trên mà cả trước đó?

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với hai cán bộ cấp vụ ở Thanh tra Chính phủ và Ban chỉ đạo Tây Bắc mà trụ sở đặt tại Yên Bái. Cả hai đều cho rằng không thể chỉ giới hạn trong việc kê khai tài sản năm 2016. Bởi hình thành tài sản là quá trình lâu dài và nghĩa vụ giải trình phải bám sát những thay đổi trong Luật Phòng, chống tham nhũng.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống tham nhũng mà Quốc hội ban hành năm 2012 thì những tài sản hình thành trước 1-2-2013 (thời điểm mà luật sửa đổi có hiệu lực), cán bộ, công chức không phải giải trình nguồn gốc. Còn hình thành từ sau thời điểm này, mỗi lần kê khai, theo mẫu mới đều có phần giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Đi vay cũng phải chứng minh

Trả lời báo chí về nguồn gốc hình thành quần thể biệt thự, hồ, cầu treo của gia đình mình, ông Phạm Sĩ Quý cho biết phải vay ngân hàng 20 tỉ đồng, chưa kể các khoản vay khác của người thân, bạn bè. Về việc này, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng - trưởng đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ, nói: “Nguồn tiền từ đâu, nếu đi vay từ ngân hàng, bạn bè, người thân cũng phải chứng minh. Người bị thanh tra có trách nhiệm giải trình”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm