Cha mẹ giết con: Bi kịch của gia đình và xã hội

"Hùm dữ không nỡ ăn thịt con", nhưng gần đây lại xảy ra quá nhiều trường hợp cha mẹ giết con rồi cùng tự tử. Vụ án này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bi kịch gia đình đang xảy ra ngày càng nhiều ở nước ta.
Những tội ác kinh hoàng
- 9 giờ ngày 21-5-2008: Đoàn Thị Huỳnh Nga (Nghệ An) đã giết con trai của mình là cháu Trần Tuấn Anh (18 tháng tuổi), rồi tự sát cùng thai nhi hơn tháng tuổi trong bụng chỉ vì mâu thuẫn với mẹ chồng trong sinh hoạt vào tối hôm trước. Sau khi được cấp cứu người mẹ tội lỗi này và thai nhi qua nguy hiểm nhưng thương thay cháu Trần Tuấn Anh  không qua khỏi do uống thuốc ngủ quá nhiều.

- Ngày 12-7-2008: người dân xã Tiền Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã rất bàng hoàng khi nghe tin một bà mẹ trẻ mới 25 tuổi đã tự tay cầm dao đâm chết con mình là bé Nguyễn Thị Tươi (4 tuổi). Ác mẫu này là Vũ Thị Gái. Nguyên nhân giết con: Muốn tự tử vì kinh tế khó khăn và bị chồng là Nguyễn Văn Tặc (SN 1981) thường xuyên chửi bới, đánh đập. Nghĩ nếu chết đi để lại con sống thiếu tình thương của mẹ sẽ khổ nên Gái đâm dao vào bụng bé Tươi cho bé chết hẳn, rồi cũng đâm mình tự sát nhưng được cứu sống.
- Ngày 17-12-2008: Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt Nguyễn Thị Thúy (25 tuổi, ngụ ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) sát hại hai con của mình là cháu Nguyễn Thị Hương Lan (4 tuổi) và Nguyễn Hoàng Sang (2 tuổi). Do nghi ngờ chồng có người phụ nữ khác nên người mẹ này nhẫn tâm treo cổ 2 con của mình cho đến chết rồi bọc vào khăn tắm đem xác con bỏ vào rừng phòng hộ Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu). Oan nghiệt hay trời không dung, đất không tha nên bà mẹ trẻ này tự sát 2 lần đều không thành.
 

Cha mẹ giết con: Bi kịch của gia đình và xã hội ảnh 1

Lê Thị Thanh Thảo ra tự thú sau khi giết hai con. (Ảnh: Công An TPHCM) 

- Đầu năm 2010: Mọi người bàng hoàng khi thấy tại nhà không số, đường số 11, khu phố 9, phường Trường Thọ, Thủ Đức, em Giang Hoàng Thùy T., 12 tuổi trên người có nhiều vết dao đâm cố lết ra khỏi nhà kêu cứu. Thủ phạm hại em chính là ông Giang Minh Tr., 40 tuổi, cha nạn nhân. Sau khi sát hại con gái ông dùng dao đâm, cắt cổ mình.  Ông Tr. tử vong trước khi được đưa đi cấp cứu.

Cha mẹ giết con: Bi kịch của gia đình và xã hội ảnh 2

Giang Hoàng Thùy T.may mắn được cứu sống sau khi bị cha ruột đâm. (Ảnh: VNN)
Trong lá thư tuyệt mạng ông Tr. nói không muốn để lại con gái duy nhất phải chịu cảnh sống với bố dượng nếu sau này vợ đi thêm bước nữa. 
- Ngày 7-5-2010: Bùi Nhựt Quang đã tẩm xăng, đốt nhà giết chết cha mẹ vợ là ông Nguyễn Văn Hai (71 tuổi) và bà Võ Thị Đời (62 tuổi, ngụ TP Tân An, tỉnh Long An). Nhẫn tâm hơn, Quang đã giết con gái mình là cháu Bùi Thị Anh Thùy (6 tuổi) rồi  treo cổ chết...

Không tìm được sự cảm thông nên gây tội ác tày trời!
Không được sự cảm thông, chia sẻ của người thân, của xã hội, thiếu kinh nghiệm sống nên khi gặp stress, mâu thuẫn trong gia đình nhiều bậc cha mẹ đã bế tắc dẫn đến việc muốn giết chết con để cùng chết với mình. Để rồi những bà mẹ "lành cả đời, ác một phút" này bị cả xã hội lên án vì tội ác tày trời “hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con, vậy mà nỡ…”.
Theo Tiến sĩ Đinh Phương Duy: “Muốn ngăn chặn những bi kịch này, phải thường xuyên giáo dục về những vấn đề gia đình như nạn bạo hành, quyền lợi của trẻ em...để nâng cao ý thức cho người dân. Cần phát huy tính đoàn thể, tập trung vào các đối tượng nghi ngờ rơi vào bi kịch gia đình mà trực tiếp giúp đỡ”.
 
Cái chết đến với những ông bố, bà mẹ được cứu sống sau khi cố tự sát nhưng không thành này chắc có lẽ nhẹ nhõm hơn vì từ nay suốt đời phải sống trong bóng tối và ray rứt lương tâm. Ngay chính những người thân của họ còn lên án vợ (chồng) mình về tội ác không thể tha thứ này. 
Như trong phiên tòa xét xử vào cuối tháng 3-2009, ngoài việc phải chịu tội trước pháp luật và lương tâm của mình, Gái còn phải chịu đựng sự lên án của xã hội vì hành động nông nỗi và quá tàn nhẫn khi nỡ giết hại núm ruột của mình. Trong phiên tòa xử vợ, người chồng tức giận, lạnh lùng đề nghị tòa xử vợ mình “đúng người, đúng tội”.
Hay như mới đây khi tham dự phiên tòa xử vợ mình là Nguyễn Thị Nụ (23 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) mang tội giết con ruột  mới 3 tháng tuổi (ném xuống giếng lạnh), người chồng đã lạnh lùng đòi tòa xử nghiêm khắc, đúng người đúng tội”. Người chồng không nghĩ đến phần lỗi của bản thân đã không quan tâm, phụ giúp khi vợ vừa sinh con nhỏ, bé lại bị bệnh. 
Ông Lê Văn Tài, (43 tuổi, trú tại khu 13, lộ 87, phường Phú Khương, Bình Dương)- cậu ruột duy nhất của Lê Thị Thanh Thảo cho biết từ nhỏ Thảo mồ côi cha mẹ, sống với bà ngoại già. Nén xúc động ông Tài kể:  “Nó nói hàng đêm trong tù nó luôn suy nghĩ về những chuyện mình làm, hình ảnh 2 đứa con thơ luôn ám ảnh nó và nó thấy mình rất dại dột…Đôi mắt Thảo giờ đây đã mờ có lẽ đó là kết quả của những ngày dằn vặt trong lao tù...Thiệt nó "bậy" hết sức, nỡ nào hại con ruột mình cho được...”
Tôi có dịp lên Bình Dương ghé lại căn nhà của chị Thảo, giờ đây đã bán cho người khác. Cảnh gia đình êm ấm của chị hiện lên trong tôi rồi vụt mất để lại nuối tiếc khôn nguôi cho nhiều người. Giờ Thảo phải chịu án tù chung thân, người chồng đi làm xa, ở mãi trong TPHCM-cũng là để quên đi chuyện đau lòng xưa, hương hồn hai đứa trẻ xấu số phải gởi vào chùa hương khói. Trước cảnh gia đình tan nát, vợ chồng ly tán, ai cũng ngậm ngùi khi nhắc lại chuyện cũ.
Chuyện mẹ giết con đã xảy ra hai năm nhưng khi nhắc lại mọi người đều vẫn nhớ như in. Bà Nguyễn Thị Gió, (62 tuổi, ấp 2, xã Thới  Hòa, Bến Cát, Bình Dương) hàng xóm của Thảo, bức xúc: “Không ai như con Thảo, giận chồng thì giận chứ ai nỡ giết con, cái tội đó không thể tha thứ được”. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo, (36 tuổi, ấp 2, xã Thới Hòa, Bến Cát, Bình Dương) cũng thương cảm: “Chị Thảo thiệt khờ quá. Mình sống vì con của mình, làm như vậy thiệt tội cho hai đứa nhỏ…”.
Căn bệnh không thuốc chữa?
Theo Tiến sĩ Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục TPHCM: “Sở dĩ cha mẹ có hành vi bất thường là do nhận thức bị phân hóa, không kiểm soát được hành vi của mình. Những người này thường ít hiểu biết về mặt xã hội, mang nặng sự ích kỷ cá nhân mà quên đi bản năng vốn có của người mẹ phải bảo vệ con mình. Ngoài ra, thiếu sự kiềm chế, bị ức chế về tinh thần hay nghèo đói  cũng là nguyên nhân dẫn đến hành động trên. Không chỉ vậy, hành động trên còn thường dễ bộc phát ở một số người xem thường giá trị nhân bản, sự giáo dục, nghĩ rằng là cha mẹ thì được phép làm gì con mình cũng được”.
Tuy nhiên, điều đáng nói là để giúp cho những người vợ, người mẹ thường bị bạo hành, stress được giải tỏa tâm lý, tìm ra giải pháp cho cuộc sống của mình là điều mà xã hội vẫn chưa quan tâm đến. Họa chăng chỉ có ở những TP lớn mới có những trung tâm tư vấn tâm lý, nhà tạm lánh dành cho phụ nữ bị ngược đãi, bạo hành nhưng số nhà tạm lánh, các trung tâm này vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thế nên theo nhiều nhà xã hội học, bi kịch này vẫn sẽ  tiếp diễn nếu như các mâu thuẫn trong gia đình không được sự trợ giúp, có giải pháp căn cơ, toàn diện.
Theo Tuyết Mai (NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm