“Chấm dứt việc xách cặp ra Trung ương“

Ngày 4-1, Bộ GTVT đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho rằng giai đoạn 2011-2015, suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngành giao thông đã tăng trưởng 36 bậc so với trước, đó là một nổ lực đáng ghi nhận. Cụ thể, huy động được nguồn lực xã hội trên 300 nghìn tỉ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có nhiều công trình hiện đại, nổi bật giữa TP Hà Nội như cầu Nhật Tân, nhà ga T2 (Nội Bài) và nhiều công trình khác đã làm thay đổi bộ mặt thủ đô Hà Nội. 2011-2015, ngành giao thông cũng đã chú trọng đầu tư cao tốc, từ chưa đầy 100 km cao tốc lên hơn 700km cao tốc. Bên cạnh đó, giao thông nông thôn cũng được đầu tư phát triển mạnh.

 Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VIẾT LONG

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong năm năm qua, ngành giao thông đã đi đầu trong tái cơ cấu doanh nghiệp, nổi bật là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, cả nước cổ phần hóa hơn 500 doanh nghiệp, trong đó  Bộ GTVT đã cổ phần hóa 137 doanh nghiệp. Đặc biệt, sau cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp có sức sống mới, tăng sức cạnh tranh. Thủ tướng cũng biểu dương công tác kiểm soát hiệu quả tai nạn giao thông: "Năm trước 2011 mỗi năm có 12.000 người chết do tai nạn giao thông, nhưng đến năm 2015 số người chết do tai nạn đã giảm xuống hơn 8.600 người...", Thủ tướng nói.

 Cầu Nhật Tân, điểm sáng của ngành giao thông.

Với những thành quả đạt được, Thủ tướng chỉ đạo ngành giao thông không thỏa mãn và phải làm tốt hơn nữa, phải nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước, trước hết là thể chế, cơ chế, chính sách. Nhằm tạo điều kiện để hoạt động giao thông, vận tải thị trường, hội nhập khu vực, quốc tế hơn, để thu hút nguồn lực đầu tư vào giao thông. Đặc biệt là thu hút đầu tư bằng hình thức xã hội hóa: "Năm 2016 và các năm tới phải làm tốt điều này, vì ngân sách cũng chừng mực vậy, có phát hành trái phiếu Chính phủ thì cũng chừng mực thế thôi, không thể vượt quá nợ công được, nợ công phải an toàn. Nên muốn phát triển hạ tầng giao thông để đưa nước ta thành nước công nghiệp thì không có cách nào khác là phải huy động nguồn lực từ xã hội từ trong nước đến ngoài nước. Muốn vậy thì phải thay đổi thể chế chính sách chứ ta không thể ra lệnh hành chính cho ai được..."- Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài huy động nguồn lực xã hội, Thủ tướng yêu cầu ngành giao thông tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn ODA: "Đặc biệt tại các tỉnh tôi thấy có nhiều bến đò ngang các cháu di chuyển rất nguy hiểm, tại sao các tỉnh không kêu gọi nhà đầu tư xây dựng một cầu nhỏ, cho họ thu phí một ít thôi để hoàn vốn. Các công trình lớn Nhà nước phải làm rồi, nhưng những công trình nhỏ các địa phương phải chủ động không thể chờ ngân sách. Việc nhìn vào túi Trung ương để xách cặp ra Hà Nội thì nên chấm dứt..."- Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng lưu ý, gần 20 năm chưa có tai nạn hàng không nhưng không được chủ quan, an ninh an toàn hàng không không chỉ tính mạng con người mà đó là hình ảnh quốc gia: "Nên chúng ta phải chủ tâm kiểm soát chặt chẽ từng giờ, từng ngày. Chúng ta không có khủng bố nhưng không thể chủ quan...", Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng rà soát, cập nhật chiến lực quy hoạch của hệ thống giao thông. Đồng thời, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, đảm bảo chất lượng hiệu quả, an toàn các công trình. Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giao thông trong năm năm tới phải làm thêm 2.000 km đường cao tốc: "Muốn làm được như vậy tôi xin nhắc lại là không có cách nào khác là huy động ngoài ngân sách nhà nước..."- Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Vẫn còn xe quá tải 30%

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, cho biết từ đầu năm 2015 đến nay, các trạm kiểm tra tải trọng xe tiến hành kiểm tra hơn 600 nghìn xe, phát hiện và xử lý trên 50 nghìn xe vi phạm, tước 20.289 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc gần 345 tỉ đồng. Đặc biệt, lượng xe vi phạm vượt tải trọng trên 100% cơ bản đã hết, chủ yếu là các xe vi phạm vượt tải thấp từ 30% trở xuống.

Theo ông Đông, có được kết quả trên là nhờ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, việc chấp hành các quy định về xếp hàng hóa lên phương tiện đường bộ và tải trọng phương tiện tại các đầu mối xếp hàng (cảng, bến, nhà ga...).

Để giảm xe quá tái trong năm 2016, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện siết chặt quản lý vận tải và duy trì thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện. Chú trọng các giải pháp ngăn chặn vi phạm từ gốc. Đặc biệt phải tăng cường sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình xe ô tô, kiểm soát tải trọng phương tiện từ khâu xếp hàng lên xe; kiểm soát chặt việc thực hiện quy định về kích thước thành, thùng xe... "Ngoài ra, đầu tư, lắp đặt trạm kiểm soát tải trọng cố định tự động gắn với các trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến quốc lộ trọng điểm khác. Phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, các hiệp hội nghề nghiệp tăng cường quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện"- Thứ trưởng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm