Chất vấn giám đốc Sở GTVT vụ nâng đường gây ngập nhà dân

Chiều 4-8, tuy ngoài trời đang mưa nhưng phiên chất vấn Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường tại kỳ họp thứ hai HĐND TP.HCM khóa IX lại rất nóng với dự án nâng đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) biến nhà dân thành nơi chứa nước khi mưa xuống.

Đại biểu: Cơ sở nào nâng đường lên 2 m?

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu (ĐB) Trần Văn Thuận cho rằng việc nâng độ cao đường Kinh Dương Vương lên 2 m để chống ngập là không hợp lý. “Tôi muốn hỏi cơ sở nào để Trung tâm Chống ngập nước TP.HCM đề xuất nâng cao độ của tuyến đường này là 2 m. Sở GTVT căn cứ vào đâu để thẩm định và phê duyệt thiết kế con đường này với cao độ là 2 m?” - ông Thuận đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Đạt cho biết dự án nâng đường Kinh Dương Vương đã khiến 539 hộ bức xúc. Chủ tịch UBND TP đã đi khảo sát và chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu giảm cao độ tuyến đường này làm sao phù hợp với nhà dân, đồng thời có chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. UBND quận Bình Tân đã có kiến nghị giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ dự án nâng cấp đường Kinh Dương Vương bằng kinh phí của dự án nhưng đến nay tiến độ thực hiện rất chậm. “Tại sao vậy? Giải pháp gì đẩy nhanh tiến độ thi công dự án?” - ông Đạt hỏi.

Sáng cùng ngày, tại phiên thảo luận ở hội trường, ĐB Tăng Hữu Phong (quận Tân Bình) đặt câu hỏi về cao độ các tuyến đường chống ngập: “Như ở đường Kinh Dương Vương xác lập cao độ là
2 m, khi làm thì nước không ngập trên đường nữa nhưng nó lại đổ vào nhà dân và các đường lân cận. Vậy các dự án đó từ việc xác lập cao độ cho tới việc cân đối với các dự án liên hoàn như thế nào? Ở cao độ nào thì có thể chấp nhận được?”.

Giám đốc Sở GTVT: Các khâu đều được thực hiện đúng

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho hay cốt xây dựng mà hiện nay chúng ta đang thực hiện quy hoạch chống ngập và quy hoạch giao thông khác đều đúng quy định. Cao độ từng khu vực đã được tính toán phù hợp với cao độ xây dựng toàn khu để đảm bảo không bị ngập.

Riêng về việc nâng đường Kinh Dương Vương, ông Cường cho hay trong quá trình thiết kế toàn bộ về cao độ, quá trình lập dự án, khảo sát, công tác thẩm định, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và lấy ý kiến người dân đều được thực hiện. Theo ông Cường, bảy chuyên gia phản biện về dự án này đều thống nhất rằng nâng độ cao tim đường lên 2 m. “Chúng ta đã tuân thủ khảo sát quy hoạch, khảo sát thiết kế chặt chẽ. Tuy nhiên, khi triển khai đã gây ảnh hưởng cho người dân và doanh nghiệp và chậm tiến độ” - ông Cường nói và khẳng định tinh thần là sẽ triển khai dự án đảm bảo tiến độ sớm nhất để ổn định cuộc sống người dân.

Để xử lý các vấn đề phát sinh hiện nay, người đứng đầu Sở GTVT TP.HCM cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khảo sát lấy ý kiến các hộ dân theo bốn phương án (xem phần tiêu điểm).

Từ kết quả khảo sát, ông Cường cho biết Sở GTVT sẽ điều chỉnh cao độ đường Kinh Dương Vương như sau: Đối với những đoạn đã thi công thảm bê tông nhựa thì tiếp tục triển khai, vỉa hè hạ xuống 10 cm. Đối với đoạn chưa thi công, hạ cao độ xuống 25 cm so với thiết kế được duyệt, kết hợp điều chỉnh giảm độ dốc vỉa hè. “Phương án đã thống nhất sẽ triển khai sớm. Đây là một bài học rất sâu sắc liên quan đến nâng đường” - ông Cường đúc kết sau vụ việc nâng đường Kinh Dương Vương.

“Dân đồng ý, sao khi làm dân phản ứng?”

Trước vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng thời gian qua có những công trình chống ngập hiệu quả rất tốt, không chỉ giải quyết ngập cho một con đường mà còn cho cả lưu vực. Nhưng cũng có những dự án gây ra sự bất bình và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân như dự án nâng đường Kinh Dương Vương. “Trong quá trình lập và triển khai dự án cần phải có đánh giá một cách tổng thể hơn, phản biện tốt hơn và đặc biệt là phải nghe ý kiến của các nhà khoa học. Công tác phản biện và lấy ý kiến người dân là chưa ổn, cần phải tính toán lại. Khi lấy ý kiến người dân, phải nói rõ cho dân biết khi làm dự án đó thì người dân được cái gì và ảnh hưởng như thế nào đến người dân để tạo sự đồng thuận ngay từ đầu” - bà Tâm đề nghị.

Bà Tâm cũng thẳng thắn đặt vấn đề ngược lại: “Chúng ta nói rằng có lấy ý kiến người dân và người dân đã đồng ý, vậy thì tại sao khi thi công người dân lại phản ứng đến như vậy?”. Bà Tâm đề nghị cần phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề này và đẩy nhanh tiến độ dự án để ổn định cuộc sống của người dân.

Người đứng đầu HĐND TP cũng đề nghị các cơ quan liên quan đối với dự án nâng đường Kinh Dương Vương đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng và cần công khai, minh bạch việc này.

Đối với những đoạn đã thi công thảm bê tông nhựa thì tiếp tục triển khai, vỉa hè hạ xuống 10 cm. Đối với đoạn chưa thi công, hạ cao độ xuống 25 cm so với thiết kế được duyệt, kết hợp điều chỉnh giảm độ dốc vỉa hè.

Bốn phương án lấy ý kiến điều chỉnh của Sở GTVT TP.HCM

Một là giữ nguyên cao độ mặt đường hiện nay nhưng hạ vỉa hè xuống 10 cm, 35 cm, 60 cm. Hai là đồng thời hạ cao độ mặt đường từ 25 cm xuống, kết hợp hạ vỉa hè. Ba là hạ vỉa hè xuống 60 cm. Bốn là hạ cao độ mặt đường.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, các phương án này đã gửi cho 539 hộ dân và đã có 405 hộ có ý kiến. Trong đó có 161 hộ đồng ý chọn phương án thứ nhất, 80 hộ đồng ý phương án thứ hai, 68 hộ chọn phương án ba, 47 hộ chọn phương án hạ cao độ mặt đường (phương án bốn) và 49 hộ dân không có ý kiến gì.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy