Cháy nhà cao tầng ‘đốt nóng’ nghị trường Hà Nội

Nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi, trách nhiệm của chính quyền, cơ quan chức năng ở đâu khi hàng loạt tòa nhà cao tầng không đảm bảo yêu cầu PCCC. Đặc biệt có tới 112 tòa nhà cao tầng thuộc diện “ba không”: không hệ thống báo cháy, không phương tiện chữa cháy và không lực lượng chữa cháy.

Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn thừa nhận thực tế đã có những vụ cháy gây thiệt hại lớn trong nội đô và Hà Nội luôn quyết liệt đối với việc này. “Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân chưa quan tâm, ý thức PCCC, tự bảo vệ tài sản, tính mạng… nên công tác PCCC vẫn còn bất cập mặc dù Hà Nội xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này rất nhiều” - ông Sơn nói. Ông Sơn cũng cho hay TP đã chi trên 1.200 tỉ đồng để hỗ trợ trang thiết bị PCCC, đầu tư hạ tầng PCCC… và Hà Nội được đánh giá là địa phương có trang bị PCCC hiện đại, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu.

Chưa hài lòng với phần trả lời trên, đại biểu Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng) đứng lên đặt câu hỏi: “TP đã quan tâm đầu tư cho lực lượng PCCC, điều này rất tốt, tuy nhiên điều chúng ta quan tâm ở đây là công tác phòng cháy. Qua giám sát của Ban Pháp chế tại các nhà cao tầng tái định cư, chợ, trung tâm thương mại… cho thấy trên địa bàn Hà Nội hiện có 112 tòa nhà công tác PCCC đang ở báo động rất nguy hiểm, đang ở mức ba không: không hệ thống báo cháy, không phương tiện chữa cháy và không lực lượng chữa cháy”. Cũng theo ông Nam, qua kiểm tra của đoàn giám sát tại các tòa nhà cao tầng tái định cư thì sau 30 phút không gọi được lực lượng chữa cháy tại chỗ, kiểm tra các hộp cứu hỏa thì không hoạt động; vì vậy nếu xảy ra cháy ở đây thì sẽ là một “thảm họa”. “Trách nhiệm này thuộc về ai? Lãnh đạo TP có biết được những vấn đề này và có phương án nào khắc phục?” - ông Nam đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, ông Sơn cho rằng dù Chính phủ đã có Nghị định 79 quy định trách nhiệm của chủ đầu tư tòa nhà trong PCCC. Tuy nhiên, “thực tiễn và pháp luật” có độ vênh nhất định, cần phải vận động, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân tuân thủ. “Ví dụ như vụ cháy gần đây nhất ở Khu đô thị Xa La (Hà Đông), trách nhiệm trước tiên thuộc chủ đầu tư, với sự vi phạm pháp luật và trách nhiệm liên đới của các đơn vị thẩm định, phê duyệt” - ông Sơn nói. 

Kết luận chất vấn về nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá: “Có tới 745 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng vẫn đưa vào sử dụng, ở đây có sự yếu kém trong quản lý nhà nước”. Bà Ngọc đề nghị chính quyền TP tăng cường tuyên truyền phổ biến, nâng cao ý thức PCCC trong nhân dân; nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ PCCC; rà soát lại toàn bộ điều kiện PCCC tại các khu chung cư, nhà cao tầng, chợ, kho hàng, những nơi có nguy cơ cao về cháy nổ để kịp thời phát hiện sai phạm, xử lý nghiêm, khắc phục những hạn chế về PCCC.

Thuê xe ôm làm giám đốc doanh nghiệp, làm khống hóa đơn để bán

Trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề nợ thuế, nợ phí vào sáng cùng ngày, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết số doanh nghiệp (DN) bỏ địa chỉ kinh doanh tăng lên nhanh, riêng nhóm này có đến gần 2.500 DN nợ thuế. Và “phần lớn đây là những DN lập ra để buôn bán hóa đơn, thành lập xong giải thể ngay, rất khó phát hiện…” - ông Hải cho hay.

Làm rõ hơn thủ đoạn của các công ty “ma” chuyên bán hóa đơn khống này, đại diện Công an TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung thông tin: “Qua quá trình điều tra hơn một năm đến nay, chúng tôi chứng minh được trong sáu năm đối tượng Nguyễn Trường (SN 1963, trú tại Hai Bà Trưng) đã thành lập 16 công ty, bán hóa đơn khống cho 2.295 DN với số tiền 5.428 tỉ đồng. Với thủ đoạn, sau khi các công ty có nhu cầu mua hóa đơn ký hợp đồng, chuyển tiền qua ngân hàng thì Trường cùng thủ quỹ các công ty ra ngân hàng rút ngay tiền mặt, sau đó chi trả ngay lại cho Trường 12%, còn lại 88% các công ty mua hóa đơn mang về chi tiêu trong công ty” - Thiếu tướng Chung nói.

Theo ông Chung, Trường đã thuê xe ôm với giá 1 triệu đồng để họ đem theo chứng minh thư lên Sở KH&ĐT TP Hà Nội để làm thủ tục thành lập công ty, làm giám đốc DN. Sau đó Trường lợi dụng pháp nhân của những công ty này tự in hóa đơn, bán cho các đối tác. “Một số công ty đã mua các hóa đơn khống này để hợp thức hóa đầu vào các nguyên vật liệu cho các công trình xây dựng hay các chi tiêu hành chính văn phòng của các bộ, ban, ngành” - ông Chung nhấn mạnh.

“Hiện Công an TP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với VKSND TP Hà Nội đã hoàn chỉnh hồ sơ để truy tố các đối tượng liên quan. Riêng 2.295 DN (sử dụng hóa đơn khống của 16 DN ma trên), chúng tôi đã phối hợp với Cục Thuế để xử lý theo nhóm: Một là những công ty hợp thức hóa mua hóa đơn phục vụ chi tiêu công; thứ hai là hợp thức hóa đầu vào các công trình xây dựng cũng như các hoạt động kinh doanh, mua hóa đơn khống để rút tiền mặt ra; thứ ba là cũng có dấu hiệu tham nhũng. Những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ truy tố trước pháp luật. Đối với những công ty trốn thuế thì sẽ phối hợp với Cục Thuế để truy thu thuế, xác định hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay đã truy thu thuế hơn 50 tỉ đồng và hơn 2.000 m2 đất được các đối tượng mua bằng tiền rút ra từ hóa đơn khống” - ông Chung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm