Chính phủ bảo lãnh nợ và con số 21 tỉ USD

Tính đến hết năm 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là hơn 459.000 tỉ đồng (khoảng 21 tỉ USD), bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC - tiền thân là Vinashin), chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công.

Thông tin trên được Bộ Tài chính công bố tại buổi họp báo chuyên đề về bảo lãnh chính phủ diễn ra mới đây (ngày 1-3).

Những “ông lớn” nào được bảo lãnh nhiều nhất?

Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay vốn bảo lãnh chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như than, điện, dầu khí. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có số vay nợ 9,7 tỉ USD; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được Chính phủ bảo lãnh vay 2,4 tỉ USD; Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là 647 triệu USD…

Ông Hoàng Hải, Cục phó Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), giải thích thêm: Trong danh mục được Chính phủ bảo lãnh thì PVN, EVN, Vietnam Airlines và Vinacomin là những đối tượng mà Chính phủ cấp bảo lãnh nhiều nhất. Bởi lẽ các doanh nghiệp (DN) này bên cạnh kinh doanh còn làm nhiệm vụ chính trị, Chính phủ có trách nhiệm hỗ trợ trên nguyên tắc phải đảm bảo tài chính.

Tuy vậy, điều này không có nghĩa việc cấp bảo lãnh chính phủ không chỉ dành cho DN nhà nước mà còn có cả DN tư nhân. Chẳng hạn như dự án điện, thủy điện do tư nhân đảm nhận ở Quảng Ninh, Thanh Hóa.

“Về nguyên tắc, bảo lãnh của Chính phủ không phân biệt thành phần kinh tế nhưng bảo lãnh là sự hỗ trợ phát triển của Chính phủ” - ông Hải nói.

Bảo lãnh nợ của Chính phủ tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như than, điện, dầu khí... Trong ảnh: Khai thác một mỏ than. Ảnh: QN

Phải giảm trách nhiệm trả nợ của Chính phủ

Theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ đứng ra trả nợ cho các DN nhà nước là điều hợp lý. Bởi lẽ khi thành lập ra các DN nhà nước thì Chính phủ là người đỡ đầu, các khoản vay cũng được Chính phủ bảo lãnh. Đó là trách nhiệm của Chính phủ.

“Tuy nhiên, trong tương lai chúng ta phải giảm được trách nhiệm này. Bởi như đã được cảnh báo, vấn đề bảo lãnh vay cho các DN nhà nước sẽ làm tăng nợ công, tăng nguy cơ cho ổn định kinh tế” - ông Phong nói.

TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh cần xử lý nghiêm trách nhiệm những giám đốc DN nhà nước để thua lỗ dẫn tới tăng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không loại trừ cả việc truy thu phần vốn đã bị thất thoát.

Vị chuyên gia này cũng cho biết theo Quyết định 58/2016 của Thủ tướng (có hiệu lực từ ngày 15-2-2017) thì danh mục DN nhà nước nắm 100% vốn chỉ còn 103 DN. Đây là một cơ sở quan trọng cho việc giảm bảo lãnh vay chính phủ cho các DN nhà nước. Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng nếu Quyết định 58/2016 được thực hiện nghiêm túc thì trách nhiệm trả nợ của Chính phủ chắc cũng giảm đi không ít.

Nhằm siết lại việc cấp bảo lãnh chính phủ, Nghị định 04/2017 (có hiệu lực từ ngày 1-3) quy định mức bảo lãnh chính phủ sẽ giảm từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không vượt quá 70%. 

Nghị định mới cũng đưa ra yêu cầu về vốn chủ sở hữu như DN phải có vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư, phải đảm bảo đủ nguồn vốn theo tiến độ thực hiện dự án đối với các hạng mục phải chi từ vốn chủ sở hữu. DN phải có phương án tài chính dự án khả thi, cam kết trả nợ… Từ đó hạn chế vay nợ tràn lan, sử dụng vốn kém hiệu quả.

Theo ông Hoàng Hải, việc giảm mức bảo lãnh của Chính phủ nhằm giảm rủi ro cho hoạt động cấp bảo lãnh của Chính phủ trong bối cảnh không ít dự án đang gặp khó khăn trong thu xếp trả nợ khiến Chính phủ phải đứng ra trả nợ. “Tính đến cuối năm 2016, nợ công của Việt Nam vào khoảng 64,13% GDP. Đóng góp đáng kể vào tỉ trọng nợ công là nợ do Chính phủ bảo lãnh vào khoảng 10,2% GDP” - ông Hải cho hay.

Nếu doanh nghiệp nhà nước lỗ, hãy để nó phá sản

Để giảm trách nhiệm trả nợ của Chính phủ cho các DN nhà nước thì một nguyên lý rất đơn giản là Chính phủ không cần hoặc giảm đến mức tối đa việc bảo lãnh vay cho các DN nhà nước.

Quan trọng hơn, tư duy chính sách cần phải thay đổi, ví dụ như chính sách ngành. Chẳng hạn, đối với ngành thép của Bộ Công Thương, nếu DN thép nào thua lỗ, hãy để nó phá sản chứ không thể xin ưu đãi để cứu một DN thua lỗ.

Thực hiện chính sách ngành là phải làm cho ngành đó bình đẳng, đừng vì DN của mình mà đi xin ưu đãi, đầu tư thêm vào các DN thua lỗ.

Việc ưu ái cũng sẽ hạn chế sự phát triển của ngành. Lẽ ra nguồn vốn phải đầu tư vào những DN kinh doanh tốt nhưng nguồn lực quốc gia lại đầu tư vào những DN thua lỗ, không có triển vọng. Việc này không thúc đẩy phát triển, làm hao mòn nguồn lực quốc gia. Thế thì làm sao nền kinh tế phát triển, làm sao nợ công không tăng cao, làm sao Chính phủ không phải trả nợ nhiều?

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNGViện trưởng
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm