Chính thức đề nghị phong liệt sĩ cho ông Lữ Anh Dồi

Bộ Quốc phòng vừa có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ truy tặng bằng Tổ quốc ghi công 42 cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân. Văn bản này nêu rõ để ghi nhớ công ơn to lớn và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh quên mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ truy tặng bằng Tổ quốc ghi công đối với 42 cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong danh sách này có tên Thiếu úy Lữ Anh Dồi (Cà Mau).

“Tôi sẽ làm một cuộc hành trình tạ ơn”

Chiều 24-5, nghe chúng tôi báo tin trên, cô Nguyễn Thị Mai, vợ Thiếu úy Lữ Anh Dồi, mừng như đứa trẻ. Cô cười trong nước mắt lưng tròng.

Cô lăng xăng đi tìm cái bật lửa thắp hương báo tin cho chồng mà tìm mãi không ra. Cô đã quên cả nơi để cái bật lửa dù nó ở đó nhiều năm qua kể từ khi thay bàn thờ mới. Tôi phải đưa cái bật lửa cho cô.

Giơ cao mấy nén hương, cô rưng rưng trong nước mắt, nói với người chồng quá cố: “Anh ơi, anh vừa nghe thấy đó, anh đã chính thức được đề nghị phong liệt sĩ. Em biết nói gì đây. Không biết nói gì hơn. Anh hãy yên lòng mà yên nghỉ. Anh nói với má tin vui này giúp em nhé”.

Cắm xong mấy nén hương, cô Mai lại lấy điện thoại ra gọi cho con trai nuôi, đang đi công tác ở huyện vùng sâu Cà Mau, báo tin vui. Căn dặn về sớm với má để mẹ con cúng chén cơm cho ba.

Rất lâu cô mới bình tĩnh lại. Chuyện đầu tiên mà cô chia sẻ với tôi là một cuộc hành trình tạ ơn. Cô nói: “Kết thúc rồi, gần 38 năm tìm công lý. Bây giờ cô phải làm việc cuối đời của cô”.

Cô Mai thắp hương báo tin vui cho chồng mình, Thiếu úy Lữ Anh Dồi. Ảnh: TRẦN VŨ

“Cô sẽ làm gì?”. Nghe hỏi vậy, cô Mai cười đôn hậu bảo: “Cô đã nguyện trong lòng từ lâu. Cái ngày đạt thành ý nguyện, cô sẽ có một chuyến đi. Cô sẽ đi thắp hương cho bác Nguyễn Văn Linh. Cô sẽ lạy tạ ơn biển hồ của bác ấy. Không có bác ấy, có thể anh Dồi vĩnh viễn là kẻ phản quốc. Cô sẽ tìm gặp cảm tạ bác Phan Diễn (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, người đã có tiếng nói quan trọng với trung ương xem xét phong liệt sĩ cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi), bác Kung (người đồng hành với cô Mai trong quá trình này) ở Đắk Lắk. Cô cũng sẽ ghé báo Pháp Luật TP.HCM để cảm ơn báo vì công lý mà đeo bám, đấu tranh cùng cô đến ngày nay. Và cũng sẽ đi nói một lời cảm ơn đến các anh em, các đồng chí ở Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Cục Người có công…”.

Cô Mai kể nhiều về những người đã công chính liêm minh, đưa vụ án của chồng mình ra ánh sáng. Rồi cô đúc kết: “Trong bóng tối, nếu ta cố tìm sẽ có những tia sáng, những vệt sáng nào đó. Cô thấy mình bất hạnh vì phải dính vào một vụ án quá lớn, quá phức tạp và nguy hiểm. Nó là bóng đêm của cô. Nó lấy hết hơn nửa đời người của cô. Nhưng cô thật hạnh phúc, vì cuộc hành trình ấy cô đã gặp những vị như Bao Công. Họ cho cô lòng tin sống và niềm hạnh phúc lớn lao ngay trong những ngày tháng đen tối nhất đời mình”.

“Sự thật rồi sẽ chiến thắng tất cả”

Ngay khi hay tin này, ông Phạm Văn Tri, tự Bảy Minh, người tiên phong, quyết liệt chỉ huy báo Minh Hải, nay là báo Cà Mau, bút chiến gần một năm trời bảo vệ Lữ Anh Dồi ồ lên: “Chân lý đã thắng”.

Ông nói trong xúc động: “Thời anh em chúng tôi tham gia viết về vụ án đã nhìn ra Lữ Anh Dồi bị tiêu diệt vì không thỏa hiệp với cái ác, cái vi phạm pháp luật của người khác. Khi vụ án giải oan cho Lữ Anh Dồi kết thúc, dư luận hả hê. Sau này mới nghe được là việc công nhận liệt sĩ cho Lữ Anh Dồi có nhiều trục trặc. Nhưng cuối cùng thì chân lý đã thắng. Không còn gì mừng hơn. Tôi nghe tin đó mà mừng quá. Tự tin hơn cho cái chân lý ở đời. Sự thật rồi sẽ chiến thắng tất cả”.

Ông Bảy Minh tiếp: “Tôi cũng thật cảm phục người vợ ấy, cô Nguyễn Thị Mai. Cô mất chồng, mất ba phần tư thời gian cuộc đời vì vụ án của chồng. Những mất mát đó chắc chắn không ai bù đắp được. Nhà nước khi công nhận anh Dồi là liệt sĩ, tôi nghĩ đã phần nào an ủi cho cô. Tôi xin chúc mừng cô. Và xin ngỏ lời khen ngợi anh em PV báo Pháp Luật TP.HCM vì đã dành nhiều công sức và tâm huyết giúp cô Nguyễn Thị Mai trong giai đoạn cuối cuộc hành trình giành chân lý”.

38 năm trường tìm công lý

Như chúng tôi đã thông tin, năm 1979, tại tỉnh Minh Hải cũ (nay là hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu) xảy ra vụ oan án lớn. Thiếu úy Lữ Anh Dồi (công an vũ trang tỉnh Minh Hải, nay là bộ đội biên phòng) bị sát hại và đổ tội phản quốc. Vợ ông Dồi là Nguyễn Thị Mai, lúc ấy là một cô giáo đã phát hiện những điều khả nghi về cái chết của chồng nên đã bỏ cả nghề để đi kêu oan cho chồng.

Sau 10 năm kêu oan, cô đã gặp được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Từ đó vụ án được phơi bày ra ánh sáng, những người hãm hại Thiếu úy Lữ Anh Dồi đã bị pháp luật trừng trị.

Sau khi giải oan cho chồng khỏi tai tiếng phản quốc, cô Nguyễn Thị Mai tiếp tục hành trình đề xuất Nhà nước xem xét, công nhận chồng mình là liệt sĩ. Hành trình ấy kéo dài gần 27 năm.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM vào cuộc phản ánh (bắt đầu từ tháng 7-2016), cùng với nhiều tiếng nói của đồng đội, những người có uy tín trong Nhà nước và xã hội, cuối tháng 2-2017, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp lắng nghe báo cáo từ các cơ quan chức năng vụ Thiếu úy Lữ Anh Dồi và đã đồng ý công nhận liệt sĩ cho ông Dồi.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ quan chức năng các cấp, các ngành đã tiến hành các thủ tục để công nhận liệt sĩ cho ông Dồi.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy