80% các cuộc đình công do tiền lương thấp

Ngày 9-9, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) và Văn phòng QH phối hợp với Chương trình phát triển LHQ tổ chức hội thảo tham vấn về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). TS Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ LĐ-TB&XH, cho biết 80% các cuộc đình công có nguyên nhân do tiền lương trả cho người lao động không thỏa đáng. Vì vậy, cần thiết phải sửa chính sách về tiền lương công nhân.

Hoàn thiện pháp luật về tiền lương

Theo ông Lê Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Tiền công - Bộ LĐ-TB&XH, mặc dù chúng ta đã có quy định về mức lương tối thiểu nhưng việc xây dựng mức này lại dựa vào khả năng của ngân sách chứ không căn cứ theo mức sống tối thiểu của người lao động nên mức lương tối thiểu rất thấp. Ví như trong các doanh nghiệp FDI, quy định từ năm 1990 lương tối thiểu là 50 USD/tháng, sau đó có điều chỉnh lên chút đỉnh, tới ngày 1-10 tới đây mới tăng lên 95 USD/tháng.

Ông Thành cho rằng cần phải hoàn thiện pháp luật về tiền lương, trong đó quy định rõ tiêu chuẩn lương tháng, lương ngày, lương giờ. Đồng thời, làm rõ khái niệm về lương chính, phụ cấp, trợ cấp. Đặc biệt, phải quy định rõ mức sống tối thiểu để xây dựng mức lương tối thiểu phù hợp với từng vùng, từng ngành. “Thực tế mức lương do chủ DN quyết định. Cơ chế thương lượng, thỏa thuận tiền lương vẫn chưa được thực hiện nên người lao động bị thiệt thòi. Chẳng hạn, người lao động có mức lương 2 triệu đồng/tháng, cộng thêm các khoản phụ cấp là hơn 3 triệu đồng nhưng nghỉ một ngày bị chủ DN cắt 200.000 đồng tiền chuyên cần. Nếu có quy định rõ tiêu chuẩn lương thì chủ DN chỉ được cắt tiền lương một ngày thôi” - ông Thành nói.

80% các cuộc đình công do tiền lương thấp ảnh 1

Công nhân xưởng da giày (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) ngừng việc tập thể đòi tăng lương. Ảnh: HH

Nỗi ám ảnh đình công bất hợp pháp

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển quan hệ lao động - Bộ LĐ-TB&XH, trăn trở: “Tôi bị ám ảnh bởi câu hỏi tại sao ở Việt Nam hễ cứ đình công là bất hợp pháp?”. Theo ông Cường, nguyên nhân là chưa xác định được chủ thể đại diện cho người lao động nên không thể đình công và giải quyết đình công theo đúng thủ tục được. Mặc dù DN có công đoàn cơ sở nhưng thực tế lại không có đủ các điều kiện cần thiết để làm chủ thể đại diện cho người lao động (như muốn đại diện, dám đại diện và đủ năng lực đại diện…).

“Quan sát thực tiễn, tôi thấy đại diện thực sự cho người lao động vẫn xuất hiện, đó là thủ lĩnh các cuộc đình công” - ông Cường nói. Tuy nhiên, khi đình công kết thúc thì họ cũng hoàn thành sứ mệnh và biến mất. Như vậy, người có tư cách đại diện chính thức cho người lao động lại không thực chất, còn người đại diện thực chất lại không có tư cách chính thức. Nghịch lý này dẫn đến việc tất cả các cuộc đình công là bất hợp pháp và tự phát. “Cứ thế này thì 10 năm nữa các cuộc đình công vẫn bất hợp pháp” - ông Cường nhận định.

Bà Natsu Nogami, chuyên gia tư vấn về pháp luật lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng nêu nhận xét: “Phần lớn các cuộc đình công ở Việt Nam bị coi là bất hợp pháp và tự phát là do thủ tục đình công phức tạp và không đảm bảo quyền cho người lao động…”.

HUY HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm