An ninh biển khu vực ASEAN phức tạp, đa diện

Từ ngày 18 đến 19-1 đã diễn ra Hội thảo Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về tăng cường hợp tác thực thi luật pháp trên biển. Tham dự hội thảo có khoảng 80 quan chức, chuyên gia, học giả về an ninh biển đến từ 22 quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Tham dự hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng đề cập đến việc giải quyết các thách thức đang đe dọa đến pháp luật và trật tự trên biển, bao gồm gia tăng tội phạm trên biển, cướp biển, cướp có vũ trang, buôn bán ma túy, buôn người diễn ra thường xuyên, nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định diễn biến phức tạp… Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của lực lượng thực thi pháp luật trên biển và sự cần thiết của việc hợp tác giữa các cơ quan này để kiểm soát, ngăn chặn và ứng phó với các thách thức trên.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: VT

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, việc thực thi hiệu quả các nghĩa vụ của các cơ quan thực thi pháp luật trên biển không chỉ đóng góp vào việc theo đuổi các lợi ích hàng hải quốc gia trong ba khía cạnh của an ninh hàng hải, an toàn hàng hải và phát triển nguồn lợi biển mà còn đảm bảo rằng những điều này được thực hiện theo luật pháp quốc tế.

Cũng theo ông Dũng, điều kiện tiên quyết để hợp tác tốt giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển là niềm tin giữa các bên. Các đại biểu có nhận định chung là an ninh biển ở khu vực có tính chất phức tạp, đa diện, đa tầng lớp nên việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định biển cần có sự hợp tác của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới trong lĩnh vực thực thi pháp luật trên biển để đối phó với nhiều vấn đề an ninh biển phi truyền thống.

Để triển khai hiệu quả, cần phải có cách tiếp cận toàn diện, không chỉ đơn thuần hợp tác triển khai chấp pháp mà cần có các biện pháp răn đe, ngăn ngừa tội phạm cũng như tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các thách thức đang tồn tại. Đồng thời, đối phó với các thách thức mới cần có sự tương hỗ giữa các cơ quan chức năng liên quan khác nhau cũng như nỗ lực chung của chính phủ và người dân, đặc biệt là trong phòng, chống đánh bắt cá trái phép, bảo vệ môi trường biển và các tội phạm xuyên quốc gia.

Kết thúc hội thảo, ba bên đồng chủ trì nhất trí kiến nghị tiếp tục duy trì đối thoại về hợp tác thực thi pháp luật trên biển trong khuôn khổ ARF, đóng góp vào hợp tác an ninh biển nói chung, là lĩnh vực hợp tác ưu tiên đã được xác định trong kế hoạch hành động Hà Nội triển khai tầm nhìn ARF trong nhiệm kỳ 2018-2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm