Bác rất trọng người tài

“Cái hay của Bác trong cách dụng nhân là có tầm nhìn rộng, nhìn xa và có niềm tin chứ đừng thấy người ta đứng ở bên kia là nghĩ chống mình, rồi gạt bỏ. Đừng có suy nghĩ như vậy. Cái đó đi ngược lại với tư tưởng trọng dụng nhân tài của Bác. Bác từng nói: Đừng đấu tranh một cách cứng nhắc, mà phải vì lợi ích chung độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc”. Ông Triệu Vũ, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tài sử dụng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cốt là làm việc tốt hay kém

. Phóng viên: Ngay khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa vừa được thành lập năm 1945, Bác Hồ đã trọng dụng cả cựu hoàng Bảo Đại, thượng thư bộ hình Bùi Bằng Đoàn, khâm sai đại thần Phan Kế Toại… Ông đánh giá ra sao về cách nhìn người và dụng người của Bác?

Bác rất trọng người tài ảnh 1
+ Ông Triệu Vũ: Đúng là trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa lúc mới thành lập, Bác Hồ có sử dụng nhiều người ngoài Đảng. Rất nhiều các vị bộ trưởng không phải là đảng viên. Năm 1946, khi Bác sang Pháp đã giao quyền điều hành đất nước cho ông Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ trí thức không đảng phái.

Trong những người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng, có những người suốt đời không phải là đảng viên vẫn giữ những cương vị cao. Như TS Nguyễn Văn Huyên, được Bác bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Giáo dục. Khi đó, ông Huyên cứ áy náy một điều là ông không phải đảng viên và một lần đã đến xin Bác từ chức bộ trưởng. Bác gặp ông Huyên và nói không cốt là đảng viên cộng sản hay không đảng, mà cốt là làm việc có tốt hay kém, có hiệu quả hay không hiệu quả, điều đó mới quan trọng. Một lần khác, ông Huyên thưa với Bác hỏi mình có nên vào Đảng? Mặc dù Trung ương đã đồng ý nhưng Bác trả lời rằng: Để chú Huyên ở ngoài Đảng còn tốt hơn ở trong Đảng. Và cũng nói thật là Bộ Giáo dục thời đó làm việc tốt lắm.

. Tại sao Bác Hồ lại giao quyền điều hành đất nước cho ông Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ trí thức không đảng phái phù hợp hơn?

+ Theo như suy nghĩ của nhiều người, có thể giao quyền cho ông Trường Chinh bởi vì lúc đó ông đương là Tổng Bí thư, thay vì cụ Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng Bác không làm thế. Ông Huỳnh Thúc Kháng không phải cộng sản, là nhà yêu nước nhưng rất uyên bác, rất có trí tuệ và có nhiều kinh nghiệm, giao quyền cho ông ấy rất an tâm. Còn khi chọn đường lối chính trị, nắm ngọn cờ cả về lý luận và thực tiễn, Bác lại chọn Trường Chinh.

Không phải duy tâm hay mê tín gì nhưng quả thật phải có một cái nhìn, người ta bảo là giác quan phát hiện đặc biệt nhạy cảm, mới nhìn thấy được người tài.

Bác Hồ trong lần về thăm quê năm 1961. Ảnh: TƯ LIỆU

Không dụng người cơ hội

. Hội nghị Trung ương 11 vừa kết thúc đã khẳng định kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa tới những người cơ hội, tham vọng quyền lực, xu nịnh, mị dân, tư tưởng cục bộ, bè phái… Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

+ Tiêu chuẩn mà Hội nghị Trung ương 11 đưa ra ai cũng đồng tình, đúng và trúng quá rồi. Cái khó nhất bây giờ là hành động, đừng chọn nhầm người. Không còn cách nào khác phải loại ra khỏi bộ máy những kẻ cơ hội. Bây giờ kẻ cơ hội nhiều và phức tạp lắm. Ngày xưa nói là cơ hội chính trị, bây giờ phổ biến cơ hội trong kinh tế, lối sống. Thế mới có chuyện ngoài miệng thì nói tích cực nhưng hành động lại tiêu cực, ngoài miệng thì nói chống tham nhũng nhưng hành vi lại tham nhũng, có khi bản thân không tham nhũng nhưng vợ con lại tham nhũng, dây mơ rễ má. Cái dây dưa này dứt ra không nổi, xử mãi không được bao nhiêu.

Bây giờ có nhiều trường hợp chạy cho được hai chữ đảng viên, chạy cho được đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ rồi leo lên được “cái gì đó”. Khi được “cái gì đó” lại bắt đầu tìm cách đục khoét để thu hồi vốn bỏ ra. Làm ăn kiểu đó có phải vì dân đâu, có phải vì lợi ích dân tộc đâu, vì lợi ích cá nhân bản thân mình thôi. Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là vì dân tộc, vì đất nước, vì nhân dân chứ Bác có nghĩ cho riêng mình, cho gia đình Bác đâu. Hiện nay nhiều cán bộ nói được mà làm không được, họ nói hy sinh phấn đấu, đặt lợi ích của Tổ quốc, dân tộc lên trên hết nhưng đến lúc hành động lại không như thế.

. Để chuẩn bị nhân sự cấp cao cho đại hội Đảng lần thứ XII, chúng ta cần học gì ở bài học dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lựa chọn được người xứng đáng nhất vào bộ máy lãnh đạo, thưa ông?

+ Tôi còn nhớ khi Bác nói chuyện với những đảng viên hoạt động lâu năm ở Nghệ An, trong lần thứ hai về thăm quê năm 1961, Bác nói: “Các đồng chí phải tìm hiểu và nghiên cứu để chọn được người thực đức thực tài, toàn tâm toàn ý làm việc cho dân, cho nước chứ không phải mấy anh cơ hội, đừng làm theo lối hễ cứ bố là cán bộ thì con là “cậu ấm””. Bác còn nói cái cốt yếu là phải xem thử người đó có giỏi thật không, có đức thật không chứ không phải người đó là gốc gác thế nào.

Điều thứ hai mà Bác nói là trong quá trình chọn cán bộ như vậy, cán bộ lãnh đạo cũng phải gương mẫu, đừng có cậy mình là lãnh đạo cấp trên, đảng viên rồi thì cứ nhắm nhắm cái ghế cho con cháu, gia đình mình. Như thế thì sẽ không mở rộng, phát huy được tài năng. Trong dân còn nhiều người giỏi lắm, phải tìm cho ra, tìm để thấy là phát huy nhân tố đó để làm cho Đảng càng ngày càng có sức mạnh.

. Cám ơn ông.

Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với di sản văn hóa

Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890–19-5-2015) và ngày Bảo tàng thế giới (18-5), Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với di sản văn hóa”.

Triển lãm trưng bày hơn 300 tư liệu, hình ảnh, hiện vật, với hai nội dung chính: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với di sản văn hóa” và “Di sản văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển”.

Những tư liệu, hình ảnh giới thiệu tại triển lãm đã thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa của dân tộc nói riêng, từ việc giữ gìn, bảo tồn đến phát huy giá trị đó. Qua cách ứng xử và hoạt động thực tiễn của Người đã để lại nhiều bài học quý giá cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ngày nay.

THẾ HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm