Băn khoăn: Thu sao cho hợp lẽ?

Thế nhưng, tới buổi thảo luận tổ lần hai sáng qua (24-10), đại biểu Quốc hội vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn, chưa biết nên đánh thuế thu nhập cá nhân như thế nào để vừa đảm bảo mức sống của người dân, vừa đáp ứng sự phát triển chung của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh: “Các khoản giảm trừ gia cảnh, đề nghị bổ sung tiền thuê nhà vào khoản giảm trừ gia cảnh. Vì tương lai, người lao động sẽ phải ở nhà thuê chứ không có khả năng mua nhà”.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng tỏ vẻ lo ngại: “Chúng ta có cả triệu hộ kinh doanh cá thể nhưng hầu hết thu thuế dưới hình thức khoán, mỗi nơi mỗi mức. Thực chất, chúng ta chưa nắm được thực doanh thu cũng như thu nhập thực của các hộ cá thể. Nếu tính đưa họ vào diện chịu thuế thu nhập cá nhân, trước hết Chính phủ phải có chính sách quản lý chặt chẽ hoạt động của hàng triệu hộ này. Nếu không sẽ lại mở ra khe hở cho cán bộ thuế tiêu cực”. Đại biểu Dao Nhiễu Linh tiếp lời: “Tôi đã tiếp xúc cử tri nhiều thành phần trong xã hội thì hầu hết chưa đồng tình với mức thu nhập dự tính phải chịu thuế là bốn triệu đồng. Ở TP.HCM, chi tiêu trung bình hàng tháng khoảng 10 triệu đồng. Trong đó tiền ăn uống cũng chỉ khoảng 1,5 triệu đồng, còn lại là chi phí đi lại, giao tế, học tập, sức khỏe... Cử tri đề nghị mức thu nhập chịu thuế nên từ tám đến 10 triệu đồng. Về đối tượng phụ thuộc để tính chiết trừ gia cảnh, dự luật mới quy định gồm ông bà, cô dì, chú bác, cháu không nơi nương tựa. Như thế là chưa đủ, vì còn anh chị, em, cháu ruột mà không nơi nương tựa, không có thu nhập thì vẫn phải cưu mang. Đề nghị bổ sung thêm những đối tượng này cho hợp với đạo lý”.

Đại biểu Trần Đông A đề nghị phải áp dụng trả lương và các khoản thu nhập qua tài khoản để dễ kiểm soát thu nhập, chống trốn thuế. Ngoài ra, để cho công bằng, Chính phủ nên sớm áp dụng hình thức đánh thuế lũy tiến trên tổng mức thu nhập sao cho tương xứng.

Đại biểu Huỳnh Thành Lập phân tích thêm: “Dự luật chỉ áp dụng thuế đối với thu nhập từ nghiên cứu khoa học là không thỏa đáng. Nghiên cứu khoa học có thu nhập không cao bằng đi dạy ngoài, ví như trường quốc tế trả 30-40 USD/giờ. Theo tôi, phải thu thêm thuế từ các khoản thu đi dạy ngoài. Ngoài ra, đề nghị thuế thu nhập cá nhân phải do cá nhân tự chịu trách nhiệm kê khai và nộp, không thể bắt cơ quan, đơn vị phải thu thay cho ngành thuế”.

Bà NGUYỄN THỊ CÚC, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thành viên ban soạn thảo:

Quan chức, dân thường đều bình đẳng về thuế

Thuế thu chả bõ chi phí quản lý?

. Thưa bà, ý kiến tập trung nhất trong hai buổi đại biểu Quốc hội thảo luận tổ là lo ngại năng lực quản lý thu nhập của cơ quan thuế vụ. Bà giải thích thế nào?

Băn khoăn: Thu sao cho hợp lẽ? ảnh 1+ Năm 1990, khi ban hành Pháp lệnh Thuế với người có thu nhập cao, Hội đồng nhà nước cũng rất băn khoăn vì sợ không kiểm soát được thu nhập. Kết quả, năm đầu tiên (1991) thu được 63 tỷ đồng, trong đó lao động ở Vietsopetro đã góp 43 tỷ đồng. Thế mà đến năm 2007, sắc thuế này đã đạt tới 6.400 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ rằng quản lý sơ khai đến vậy ta còn thu thuế được thì rồi tới đây, ta cũng sẽ làm được thuế thu nhập cá nhân với đối tượng rộng hơn.

. Nhưng như một số đại biểu nói, không khéo thuế thu được chẳng bõ chi phí cho quản lý thuế, thu thuế...

+ Kinh nghiệm quản lý thuế thu nhập cao cho thấy chi phí không lớn lắm. Vì khấu trừ tại nguồn, chỉ phải cắt nơi chi trả thu nhập 0,5% số tiền thuế khấu trừ. Thu nhập không thường xuyên như trúng xổ số thì đơn vị khấu trừ được giữ lại 1%. Tới đây, chỉ phải thêm chi phí cho tính toán giảm trừ gia cảnh.

Khó khăn với người hành nghề độc lập

. Với mức thu nhập khởi điểm chịu thuế như dự luật là bốn triệu đồng/tháng thì khoảng bao nhiêu người sẽ đóng thuế?

+ Chúng tôi đang dựng đề án tính toán cụ thể. Có bốn nhóm chính: Người làm công ăn lương trong doanh nghiệp, cơ quan đơn vị; hộ kinh doanh và người hành nghề độc lập như luật sư, bác sĩ, ca sĩ, tư vấn viên...; nhà đầu tư, như người góp vốn cổ phần, thành viên công ty; người có thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, bao gồm bất động sản.

. Trong số này, nhóm nào là dễ quản lý thu nhập, dễ thu thuế nhất?

+ Người làm công ăn lương thì dễ rồi, vì thu nhập của họ đều nằm trong sổ sách, trong chi phí của doanh nghiệp, của đơn vị nơi công tác. Nhà đầu tư cũng tương đối thuận lợi, vì cơ quan nhà nước hoàn toàn nắm được họ đầu tư vào đâu, sở hữu vốn góp thế nào, lưu ký chứng khoán ở đâu. Từ đó có thể kiểm soát được cổ tức, lợi nhuận trên vốn.

Nhóm có thu nhập từ hành nghề độc lập và từ chuyển nhượng tài sản thì khó hơn nhưng có thể kiểm soát thông qua hợp đồng dịch vụ, hợp đồng chuyển nhượng. Chẳng hạn ca sĩ hát ở hội nghị, lễ khai trương nào đó thì đều xuất hiện trong mục chi phí của doanh nghiệp. Riêng bất động sản thì luật đã quy định thủ tục đăng ký sở hữu, qua đó cũng có thể kiểm soát được.

. Nhưng người hành nghề độc lập lại có khách hàng là cá nhân, thanh toán bằng tiền mặt; chuyển nhượng bất động sản lại kê khai giảm giá trị chuyển nhượng... thì làm sao giám sát thu thuế?

+ Sẽ khó khăn. Nhưng luật còn ràng buộc là mỗi cá nhân phải tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Nếu thuế vụ phát hiện gian lận sẽ xử theo pháp luật quản lý thuế rất nặng, phạt gấp 1-3 lần mức gian lận. Còn thu nhập từ chuyển nhượng tài sản sẽ dựa trên giá cả thị trường, không phải cứ thích khai giá thế nào thì khai...

. Về lâu dài, thuế thu nhập cá nhân sẽ hướng tới mọi người dân. Vậy yếu tố công bằng và công khai minh bạch thế nào?

+ Nguyên tắc chung là công bằng, không phân biệt đối xử. Thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh hay bí thư tỉnh ủy đều là công dân, bình đẳng trước pháp luật. Hơn nữa, họ là người có chức vụ và quyền hạn thì càng phải gương mẫu chấp hành kê khai thu nhập chịu thuế.

. Muốn biết ông chủ tịch ở địa phương, thủ trưởng cơ quan, lãnh đạo ngành nơi mình công tác chấp hành luật thuế thì sao, thưa bà?

+ Với thu nhập, tài sản cá nhân thì việc công khai đã có luật dân sự điều chỉnh. Cá nhân chỉ có trách nhiệm công khai thu nhập với cơ quan quản lý thuế và ngược lại cơ quan quản lý thuế có quyền kiểm soát thu nhập của cá nhân đó.

. Ngành thuế có dự kiến biện pháp gì để buộc những người có chức vụ và quyền hạn gương mẫu chấp hành luật thuế, kê khai đầy đủ mọi loại thu nhập?

+ Tùy mỗi loại thu nhập mà cơ quan thuế kiểm soát. Chẳng hạn, thu nhập có tính chất lương mà đến mức phải đóng thuế thì khấu trừ tại nguồn. Còn quà biếu, chỉ khi giá trị lớn tới mức phải đóng thuế thì cá nhân đó mới phải kê khai. Thuế vụ sẽ có biện pháp giảm sát, kiểm tra tính trung thực của việc kê khai đó.

. Xin cám ơn bà!

NGHĨA NHÂN thực hiện

Băn khoăn: Thu sao cho hợp lẽ? ảnh 2Bộ trưởng Bộ Tài chính VŨ VĂN NINH:

Khởi điểm từ bốn triệu đồng là hợp lý

So với Pháp lệnh Thuế thu nhập cao, đối tượng chịu thuế thu nhập sẽ giảm đi nhiều vì có giảm trừ gia cảnh. Chẳng hạn, pháp lệnh hiện hành thì cứ thu nhập năm triệu đồng/tháng trở lên là phải đóng thuế. Nhưng luật thuế thu nhập, một người hưởng lương 10 triệu đồng/tháng mà có hai người phụ thuộc thì chỉ phải đóng thuế 160 ngàn đồng. Nếu có tới ba nhân khẩu ăn theo thì sẽ không phải đóng thuế nữa.

Có đại biểu đề nghị đưa trượt giá vào thu nhập khởi điểm chịu thuế. Nhưng như vậy khởi điểm sẽ lên cao mãi, không còn là thuế thu nhập nữa. Theo tôi, quy định cứng bốn triệu đồng là hợp lý. Lúc nào thu nhập này trở nên phổ biến thì hạ thuế suất xuống. Số người đóng sẽ tăng lên, đúng bản chất thuế thu nhập cá nhân nhưng mức đóng sẽ thấp đi.

HOÀNG ĐÌNH ghi

HOÀNG ĐÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm