Báo chí giám sát việc thực thi pháp luật đất đai

Ngày 14-3, những phóng viên tham gia tác nghiệp về vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đã có dịp gặp lại nhau trong khuôn khổ cuộc hội thảo “Nguồn lực đất đai và vai trò truyền thông” do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED Communication) phối hợp cùng Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức. Cuộc hội thảo có sự tham gia của GS-TSKH Đặng Hùng Võ, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, MTTQ Việt Nam, Hội Nghề cá…

Nhà báo Liêu Chí Trung kể, năm 2008, mang theo gần 2 kg đơn thư, tài liệu kêu cứu của người dân ven biển huyện Tiên Lãng, anh đã về Hải Phòng thực hiện tuyến bài điều tra, phản ánh những khuất tất trong việc giao và thu hồi đất của chính quyền xã liên quan đến gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Sau đó, loạt bài phóng sự ba kỳ: “Cống Rộc - Thách thức không đến từ biển” đăng tải trên báo đối ngoại Vietnam Economic News (Bộ Công Thương). Thế nhưng sau loạt bài trên, chính quyền Hải Phòng và huyện Tiên Lãng đã không có động thái gì giải quyết ổn thỏa vụ việc, chỉ tới khi có hành vi chống trả của ông Vươn.

Phóng viên Đỗ Huy Hoàng (báo Pháp Luật TP.HCM) thì cho hay trong quá trình tác nghiệp vụ Tiên Lãng, các phóng viên thường xuyên bị ngăn cản, né tránh cung cấp thông tin. Thậm chí một số giang hồ đã chửi bới, giật máy ảnh, dọa sẽ bắt giữ phóng viên đưa về xã…

Ông Lưu Đình Phúc, Trưởng phòng Quản lý báo chí Trung ương (Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng để tăng cường tính công khai, minh bạch trong bộ máy nhà nước, Luật Báo chí sửa đổi tới đây cần bổ sung các quy định cụ thể về quyền tiếp cận thông tin của báo chí, trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Ông Phúc cũng kiến nghị cần sớm hoàn thiện, ban hành Luật Tiếp cận thông tin của người dân, trong đó có quy định về quyền tiếp cận thông tin của phóng viên.

Ở khía cạnh khác, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nhận xét: Việc giám sát thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về đất đai nói riêng còn đang rất yếu.

Ông Võ cũng nhận xét hệ thống giám sát của các cơ quan hành chính hiện nay, với việc cơ quan cấp trên theo dõi, đánh giá bằng báo cáo của cấp dưới gửi lên không mang lại hiệu quả. Giám sát của Quốc hội, của báo chí, của MTTQ các cấp cũng có tác động nhưng tác động vào đâu trong hệ thống quản lý thì không rõ. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi. Khi hệ thống giám sát được thiết kế một cách chính thống thì vai trò của báo chí hoàn toàn có chỗ đứng trong hệ thống giám sát này” - ông Võ kết luận.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm