Bảo hiểm tự nguyện bị trói buộc

Hôm qua, các vấn đề dân sinh bức xúc như sức ép giá tiêu dùng, bảo hiểm y tế tự nguyện bất cập, giá đất ảo... đã được đưa ra thảo luận tại các tổ đại biểu.

Theo đại biểu Huỳnh Thành Lập (TP.HCM), những quy định đi kèm để mua được bảo hiểm y tế đang gây bức xúc trong dân. “Đã là tự nguyện, mua theo nhu cầu nhưng lại kèm theo những bắt buộc phi lý: phường, xã nào muốn mua được bảo hiểm y tế tự nguyện thì tối thiểu phải huy động được trên 10% dân số của địa bàn tham gia mua; một gia đình muốn mua thì phải đảm bảo 100% thành viên trong gia đình đó cùng mua. Chính vì thế, mặc dù TP.HCM có tới trên 300 đơn vị phường, xã nhưng mấy tháng qua cũng mới chỉ có 17 phường, xã mua được bảo hiểm y tế tự nguyện. Một chính sách đúng đắn của nhà nước không nên để một số quy định bất cập làm cho không hiệu quả” - ông Lập nói.

Về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân, ông Lập đề nghị nên đưa khoản tiền mua nhà phải trả góp hàng tháng vào diện được giảm trừ để người dân giảm sức ép chi trả sinh hoạt.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (TP.HCM) đề nghị Chính phủ phải có giải pháp đồng bộ để người lao động tại các doanh nghiệp FDI được hưởng sự phát triển chung của nền kinh tế cả nước chứ không phải chỉ được tăng mỗi lương tối thiểu. “Quy định để cho doanh nghiệp tự xây dựng bảng lương mà không đưa ra định lượng các bậc lương phải cách nhau bao nhiêu tiền là không phù hợp. Chủ doanh nghiệp lợi dụng chuyện đó tạo ra các bậc lương chỉ chênh nhau 10.000 đồng/bậc. Khi lao động kêu quá, họ mới tăng một bậc, chẳng có ý nghĩa gì”.

Trao đổi với báo chí ngoài hành lang xung quanh nhận định thị trường bất động sản TP.HCM đang là thị trường ảo, gây bất lợi cho người dân và nhà nước, đại biểu Trần Du Lịch cho biết nguyên nhân do rất yếu kém trong sử dụng các công cụ tài chính thuế nhà đất. Cơn sốt mua chung cư cao cấp vừa qua ở TP.HCM cho thấy giới đầu cơ luôn sẵn sàng để ôm vào, găm các cơ hội lại và đẩy giá lên cao hơn nữa. Người có nhu cầu thật sự sau đó tìm mua thì phải mua với cái giá rất cao. Người có thu nhập khá, trung bình cũng khó có cơ hội tiếp cận với một mặt bằng giá lành mạnh.

Ông Lịch đề nghị Chính phủ sớm áp dụng thuế lũy tiến đối với đất và nhà ở. “Hiện nay, chúng ta mới áp dụng chính sách thuế với đất mà chưa áp dụng chính sách thuế với nhà ở. Chỉ cần Chính phủ áp dụng điều khoản mới về thuế sẽ hạ nhiệt ngay lập tức thị trường bất động sản”.

Nhiều ý kiến cho rằng nên áp dụng chính sách cho dân có đất bị thu hồi được quy ra giá trị cổ phần trong tổng dự án đầu tư. Cách này sẽ đảm bảo tính sinh lợi lâu dài cho nông dân và giảm đi quỹ tiền đầu tư giải phóng mặt bằng - nhiều đại biểu cùng nói.  

Bảo hiểm tự nguyện bị trói buộc ảnh 1Cựu Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm, đại biểu tỉnh Thái Bình:

Đừng hy sinh lạm phát lấy tăng trưởng

Mặt bằng giá trên thế giới và ảnh hưởng từ thiên tai là các yếu tố khách quan, chắc chắn tác động vào kinh tế trong nước rồi. Nhưng khách quan thì lúc nào chẳng có, nếu “chủ quan” ta chủ động được thì sẽ giảm bớt tác động xấu tới nền kinh tế, tới giá cả.

Tôi cho rằng để lạm phát tăng cao đến mức này, Chính phủ phải nhận trách nhiệm. Một là điều kiện đảm bảo cho cân đối cung-cầu trong nước còn hạn chế. Chi phí đầu vào cao, rườm rà giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính chậm chính là nguyên nhân của mất cân đối này. Hai là tung hàng chục ngàn tỷ đồng ra mua ngoại tệ để ổn định giá nội tệ nhưng hút tiền về lại không đồng bộ nên tiền mặt bên ngoài vẫn còn quá nhiều. Khuyết điểm thứ ba là điều hành của Chính phủ phần lớn mang tính tình thế, không giải quyết tận gốc.

Tôi muốn lưu ý Chính phủ là đừng hy sinh lạm phát để lấy tăng trưởng. Lạm phát cao kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống của người làm công ăn lương mà còn tác động làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đến lúc nào đó, sản xuất sẽ trì trệ và lúc đó sẽ đẩy lạm phát lên mạnh hơn.

Bảo hiểm tự nguyện bị trói buộc ảnh 2Ông ĐẶNG VĂN XƯỚNG, đại biểu tỉnh Long An:

8,5% - số đẹp nhưng...

Trong nguyên nhân lạm phát, Chính phủ mới nêu nhiều về nguyên nhân khách quan, trong khi ít giải trình lỗi chủ quan. Ví dụ, năng lực sản xuất trong nước còn kém là lỗi của hành pháp. Độc quyền, đầu cơ cũng là một nguyên nhân dẫn tới tăng giá thì trách nhiệm quản lý nhà nước kiểm soát thế nào? Trong kiểm soát giá, một số mặt hàng then chốt như xăng dầu thì giữ được nhưng với thuốc chữa bệnh thì tại sao để tăng? Liệu có thể phó mặc cho thị trường quyết định?

Vừa qua, Chính phủ đã giảm thuế nhập khẩu, coi đó là giải pháp tình thế tăng cung hàng, giảm chi phí nguyên liệu đầu vào. Thời gian mới vài tháng, chưa đủ để đánh giá hiệu quả của biện pháp này. Nhưng có những nhóm hàng như ôtô chẳng hạn, người tiêu dùng đã không được hưởng lợi từ chính sách này. Vậy thì phải xem lại chính sách bảo hộ ngành lắp ráp ôtô.

Con số tăng trưởng GDP 8,5% cao nhất trong 10 năm qua. Con số thì “đẹp” rồi nhưng mặt hạn chế thì báo cáo kỳ họp nào cũng đề cập tới yếu tố năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của nền kinh tế “có chuyển biến nhưng còn chậm”. Tại sao Chính phủ không phân tích rõ cơ cấu đóng góp của các yếu tố trên vào chỉ số tăng trưởng chung? Báo cáo lần này cho biết tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư. Vậy thì phải mổ xẻ riêng yếu tố này góp bao nhiêu vào 8,5% tăng GDP? Nói năng suất lao động được cải thiện thì phần cải thiện đó đóng góp thế nào? Nếu không bóc tách được các yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế thì không thể có được giải pháp cụ thể, chính xác vào những nguyên nhân mà lâu nay ta cho là yếu kém.

HOÀNG YẾN

HOÀNG ĐÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm