Bộ Chính trị kết luận: Sẽ có tòa án, VKS khu vực

Theo đó, ngành tòa án sẽ tổ chức lại theo mô hình bốn cấp, gồm cấp sơ thẩm khu vực; cấp tỉnh; cấp cao; và tối cao. Tên gọi các tòa này vẫn giữ thành tố “nhân dân” như hiện hành: TAND sơ thẩm khu vực; TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; TAND cấp cao; và TAND Tối cao.

Thẩm quyền của các cấp tòa về cơ bản giữ nguyên với cấp tòa tương ứng hiện tại nhưng có điều chỉnh một chút về tổ chức. Cụ thể, địa hạt tư pháp của tòa sơ thẩm khu vực không nhất thiết gói gọn trong địa hạt hành chính huyện, quận mà có thể rộng hơn. Tòa cấp tỉnh không còn ủy ban tư pháp. Tòa cấp cao thì tương tự như các tòa phúc thẩm thuộc TAND Tối cao và trước mắt chỉ lập ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.

Tòa Tối cao thì sẽ tổ chức tinh gọn lại với số lượng 13-17 thẩm phán là những chuyên gia đầu ngành về pháp luật, có kinh nghiệm xét xử và có uy tín cao trong xã hội. Như vậy, TAND Tối cao tương lai sẽ gần giống Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hiện hành (gồm 14 thành viên), chỉ tập trung vào xử giám đốc thẩm, tái thẩm, tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.

Ngành kiểm sát cũng sẽ được tổ chức lại thành bốn cấp, phù hợp với hệ thống tòa án. Tên gọi vẫn giữ nguyên thành tố “nhân dân”, gồm: VKSND khu vực; VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; VKSND cấp cao; và VKSND Tối cao. Địa hạt tư pháp của ngành kiểm sát trùng khít với địa hạt tư pháp của tòa án cùng cấp. Đáng chú ý, chức năng của ngành kiểm sát vẫn được giữ nguyên, gồm thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Cũng theo kết luận này, hệ thống cơ quan điều tra không có gì thay đổi.

So với các yêu cầu của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến 2020 thì kết luận này của Bộ Chính trị chỉ khẳng định một số nội dung đã rõ và thống nhất cao. Vì vậy, những vấn đề còn lại của Nghị quyết 49 như “nghiên cứu chuyển VKS thành viện công tố”, “nghiên cứu và chuẩn bị mọi điều kiện để tiến tới tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối”, Bộ Chính trị yêu cầu Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương tiếp tục chỉ đạo tổng kết, nghiên cứu, đề xuất.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm