Bốn phép toán của ông Bảy Nhị

Trong bài phỏng vấn mới đây nhất cho báo Nhân Dân, trả lời câu hỏi của phóng viên: “Làm người lãnh đạo đúng nghĩa được dân tin yêu như ông có khó lắm không?”, ông nói: “Chỉ cần rành bốn phép toán là làm được. Đó là: luôn biết cộng thêm nghĩa tình, yêu thương; biết trừ đi những oán thù, ghét bỏ; biết nhân lên của cải cho người dân, cho xã hội và biết chia sẻ hạnh phúc. Tôi nghĩ vậy”.

Đọc câu này tôi, Phạm Xuân Nguyên, thấy thích quá vì đúng quá. Tôi quý ông Nhị từ những gì đã nghe thấy, đọc thấy về ông và của ông từ trước nay, dù chưa một lần gặp mặt. Nay nghe được “bốn phép toán” của ông thì tôi càng quý ông và phục ông. Và liền sau cảm xúc phấn chấn vì được nghe một câu nói hay, một tư tưởng đúng này thì tôi lại bị một cảm giác buồn xâm chiếm trĩu nặng. Vì nói thực ít quan chức ta hiện nay nghĩ được và làm được “bốn phép toán” của ông Bảy Nhị. Phần nhiều họ chỉ làm ngược lại.

Quốc hội đang nóng lên trong kỳ họp hiện nay vì chuyện tham nhũng càng chống thì càng nhiều với mức độ ngày càng trầm trọng, thiệt hại ngày càng khủng khiếp, hậu quả ngày càng nặng nề. Tất cả là do lòng tham vô độ của những kẻ có chức quyền. Những kẻ đó cũng biết bốn phép tính số học cộng trừ nhân chia trong làm ăn và trong cuộc đời nhưng chúng luôn thực hiện phép tăng lên cho mình và làm phép giảm đi cho xã hội, cộng đồng. Cộng thêm đất đai, nhà cửa, xe cộ, vàng bạc, ngoại tệ cho vợ chồng con cái họ hàng nhà mình mà trừ đi các bổn phận, nghĩa vụ đối với quốc gia, dân tộc, trừ đi quyền lợi của đông đảo nhân dân lao động. Nhân lên những vây cánh móc ngoặc, hối lộ, những “liên minh ma quỷ” moi rút của công, những tập đoàn tham ô lũng đoạn, mà chia bớt những phúc lợi xã hội, những đóng góp cho quốc kế dân sinh, những đầu tư tăng trưởng phát triển đất nước. Ông Bảy Nhị thực hiện bốn phép toán hướng về dân, vì dân nên ông đã được dân đồng cảm và cộng hưởng, ông được nhân lên tình thương của mọi người, được cộng thêm sự cảm phục yêu quý, được chia sẻ những thử thách, khó khăn, được trừ đi những kêu ca, oán trách. Còn những kẻ tham nhũng đầy mình thì đi ngược lại nhân dân, phản bội lợi ích của dân và nước thì chúng chỉ nhận về sự căm phẫn nhân lên, sự xa lánh cộng thêm, sự tin tưởng trừ đi và sự thông cảm chia bớt.

Nhân bốn phép toán của ông Bảy Nhị tôi nhớ đến một cách hình dung cũng theo toán học về giá trị con người hình như do văn hào Nga Lev Tolstoy đưa ra. Tác giả Chiến tranh và hòa bình nói rằng giá trị con người ta giống như một phân số mà tử số là cái ta thật có, còn mẫu số là cái ta tự nghĩ là có, tự đắp vào. Mẫu số càng to thì giá trị phân số càng nhỏ. Những người được tổ chức, xã hội đặt vào địa vị lãnh đạo, quản lý mà tự biến thành “quan cách mạng”, tự cho mình muốn làm gì thì làm để kiếm chác lợi ích cho mình, thì sự phồng to của việc lạm quyền lạm lợi chính là cái mẫu số con người họ càng to, tử số càng nhỏ, dẫn đến giá trị con người của họ ngày càng nhỏ cho đến gần bằng không.

Tôi muốn tặng ông Bảy Nhị, người đảng viên Nguyễn Minh Nhị, nay đã về nghỉ hưu ở quê nhà vẫn làm đúng “bốn phép toán” cuộc đời như khi đang đương chức, bài thơ sau đây của nhà thơ Nga Evgeny Evtushenko do tôi dịch, vì theo cảm nhận của tôi ông đã sống đúng điều tâm niệm như nhà thơ, vì “làm người khó lắm”:

Có thể ngày mỗi ngày qua / Tôi dần sẽ trở về già / Có thể mỗi năm một hết / Đời tôi cuối cùng vĩnh biệt / Có thể trăm năm vèo trôi / Không người nhớ tôi là ai / Nhưng sao cho mỗi năm qua / Không sống hổ thẹn xấu xa / Nhưng sao cho mỗi năm hết / Không trở thành người hai mặt / Và sao cho trăm năm trôi / Không ai nhổ vào mồ tôi.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm