Cải cách không hẳn là cắt bỏ

Mừng vì thủ tục được tiết giảm thì chi phí đi lại, giấy tờ và lệ phí công chứng cũng giảm nhưng lại lo là khi xảy ra vụ kiện tranh chấp hợp đồng thì xử lý thế nào. Theo thống kê gần đây trên 75% các vụ khiếu kiện hiện tại liên quan đến nhà đất, nhiều vụ hết sức phức tạp do các văn bản được sử dụng làm chứng cứ “chỏi” nhau, mâu thuẫn nhau. Vì thế thủ tục công chứng hợp đồng đặt ra giúp kiểm soát bước đầu các giao dịch hợp lệ, chống hiện tượng lừa đảo trong giao dịch tài sản lớn là nhà đất.

Vì thế bỏ thủ tục này thì nếu xảy ra tranh chấp, bộ máy Nhà nước sẽ phải huy động để giải quyết mà nếu cộng dồn các chi phí thì số tiền có thể còn tốn kém hơn nhiều con số 2.700 tỉ đồng nói trên. Hơn thế, trật tự pháp luật sẽ bất ổn, bởi hiện nay ngay cả khi buộc phải thực hiện thủ tục công chứng chứng thực mà kiện tụng, lừa đảo còn xảy ra...

Bản thân Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cũng thừa nhận nếu không quy định phải công chứng bắt buộc thì công việc lại “dồn” lên vai các văn phòng đăng ký nhà đất, mà ai cũng biết người dân ngại va chạm nhất là ở “cửa” này.

Dù đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ có cho rằng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính này không phải là bãi bỏ hoạt động công chứng mà là chuyển từ việc bắt buộc sang việc tự lựa chọn thì vẫn đáng lo. Bởi khác với các giao dịch thông thường, các hợp đồng giao dịch về nhà ở và quyền sử dụng đất đều có giá trị lớn, có khi là tài sản mồ hôi, nước mắt của cả một đời người. Trong khi đó ở thời điểm giao dịch, ít ai nghĩ rằng sẽ có tranh chấp hoặc không công chứng sẽ gây hậu quả vô cùng lớn trong tương lai nên sẽ ít người “tự nguyện” công chứng nếu luật pháp không yêu cầu.

Thiết nghĩ những chính sách đụng tới những vấn đề hệ trọng của công dân như tài sản có giá trị lớn là nhà ở... không nhất thiết phải “tiết giảm” thủ tục, bởi khi hậu quả xảy ra, những thứ mất đi khó tính được bằng tiền!

BẰNG LĨNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm