Cần “điều trần” trước Quốc hội

. Ông bình luận về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm của Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin Phạm Thanh Bình?

+ Chúng tôi là người “ngoại đạo” nhưng cũng đã nhìn ra sự việc từ rất lâu. Quốc hội qua giám sát đã cảnh báo nhưng chậm được xử lý, để kéo dài gây hậu quả rất nặng nề. Để lún sâu đến nước này thì xử lý tái cơ cấu là mang khó khăn anh này trút sang cho anh khác. Không cẩn thận, gỡ khó khăn này nhưng kéo theo hệ lụy về tài chính, vay nợ ngân hàng, tiêu tốn thêm tiền ngân sách…

. Theo ông, trách nhiệm của Chính phủ trong vụ việc này như thế nào?

+ Tôi không bình luận nhưng rõ ràng thẩm quyền quản lý, giám sát, kiểm tra, đôn đốc thuộc các bộ, ngành của Chính phủ. Cái đó nằm trong tầm tay của Chính phủ, Chính phủ có quyền chủ động kiểm tra bất kỳ lúc nào, có thể yêu cầu kiểm điểm, dừng dự án không hiệu quả…

. Quốc hội qua giám sát đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng nợ nần của Vinashin. Nhưng dường như những kiến nghị này chậm được xem xét?

+ Nếu chậm được xử lý thì Quốc hội phải tiếp tục đôn đốc. Thậm chí có thể yêu cầu lãnh đạo Chính phủ, chủ tịch tập đoàn “điều trần” trước Ủy ban của Quốc hội. Theo tôi, lãnh đạo tập đoàn gây thất thoát như thế nên từ chức.

. Cơ chế đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp nhà nước hiện không rõ ràng, lại thiếu giám sát nên đồng vốn dễ bị thất thoát. Vậy làm thế nào để bịt kẽ hở này?

+ Bắt đầu từ 1-7, các doanh nghiệp nhà nước tiến tới sân chơi chung là Luật Doanh nghiệp, là bình đẳng. Các doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải kiểm toán, công khai minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh…

Theo tôi, cách quản lý nhà nước tốt nhất là quy trách nhiệm cho lãnh đạo doanh nghiệp. Trên đầu anh là “vòng kim cô” nhà nước thắt chặt, buộc anh hoạt động trong khuôn khổ đó. Nếu anh vượt ngưỡng, gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý ngay.

Như chuyện Vinashin mua lô tàu đã sử dụng 10-12 năm về Cục Đăng kiểm VN từ chối, phải dùng cờ nước ngoài để đi. Cái đó ai cũng thấy nhưng sao cơ quan quản lý không tuýt còi?

. Xin cảm ơn ông.

Trong báo cáo giám sát về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu (tháng 11-2009), vấn đề nợ nần, đầu tư dàn trải của Vinashin đã được cảnh báo. Theo đó, nợ phải trả của tập đoàn này tính đến ngày 31-12-2008 cao gấp 10,9 lần vốn chủ sở hữu. Vinashin còn nợ quá hạn 3.812 tỉ đồng, chiếm 19,17% tổng dư nợ. Trong năm 2008, Vinashin đầu tư 144 tỉ đồng vào lĩnh vực chứng khoán và đều không phát sinh lợi nhuận...

VĂN TIẾN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm