Cần một điểm tựa

Nhưng á hậu của cuộc thi thì lại nói: “Em cho rằng tiêu chí Hoa hậu Việt Nam chính là thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ. Và em tin tưởng vào đánh giá của ban giám khảo”. Vậy thì “vẻ đẹp thuần Việt” được thể hiện ở đâu?

Liệu có phải trở lại câu tục ngữ quen thuộc mà có người cho chỉ còn là vang bóng một thời, mang dáng dấp của tư duy bảo thủ: “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Vì cho là bảo thủ nên để cho thời thượng, có người tuyên bố: “Đánh chết thế quái nào được! Cái nết chào thua trước cái đẹp thì có”. Thế mà một người Việt xa xứ đã bức xúc đặt câu hỏi: “Thi hoa hậu bên Tây chỉ chiếm thời lượng rất nhỏ trên truyền thông. Trong khi website nước ta “mở báo thấy hở hang hoa hậu”. Dân nghèo mà hình như tháng nào cũng có cuộc thi sắc đẹp. Bỏ ra 15 triệu đôla cho tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ để đổi vài phút quảng cáo trên tivi mà tại Washington DC, tôi cố đợi họ phát lúc nào để xem cũng chịu”.

Cách đây sáu năm, tờ Văn nghệ Trẻ số 39 đã phải kêu lên: “Sắc đẹp ở đây đã bị “thịt da hóa” quá nhiều nên chẳng lạ khi năm ứng viên lọt vào vòng chung kết để tranh chiếc vương miện hoa hậu năm ấy đã “hót” như vẹt những câu hệt nhau được học thuộc lòng từ đáp án mà ban tổ chức đưa trước khiến 5.000 người dự đêm chung kết ấy được thưởng thức “một màn hài kịch vô tiền khoáng hậu”!

Trong bối cảnh ấy có lẽ câu tục ngữ trên cũng gợi ý thêm được điều gì chăng? Nói quá đi mối tương quan giữa cái nết và cái đẹp cũng chỉ để đề cao con người, đề cao cái đẹp của con người chứ không nhằm đối lập cái đẹp và cái nết vì cả hai đều là những giá trị quý báu của con người. Chỉ có điều, vì cái nết thể hiện tập trung nhất thuộc tính người, chỉ có ở con người nên đưa “nết” lên trước là có cái lý của nó. Nguyễn Văn Siêu, danh sĩ thời Tự Đức, đã chia văn chương làm hai loại. “Có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Khi đặt trọng “nết”, thêm cho “nết” một quyền uy trước “đẹp” chắc là vì lẽ đó chứ cái nết không đánh chết ai cả. Nó chỉ răn dạy người đẹp đừng “mất nết” để làm phôi pha, gây phản cảm với cái đẹp, thậm chí triệt tiêu cái đẹp. Cái nết bổ sung và hoàn thiện cái đẹp - một ân huệ của tạo hóa nhằm tôn vinh những ai vừa đẹp người vừa đẹp nết, hướng tới giá trị chân thiện mỹ: sự hài hòa giữa cái đúng, cái tốt và cái đẹp!

Hoa hậu - đóa hoa đẹp nhất trong các bông hoa, để không sớm nở tối tàn, phải là đóa hoa nảy ra từ cái cây bám rễ trong lòng đất mẹ, thấm đượm triết lý nhân văn của dân tộc: “Người ta hoa đất”.

TƯƠNG LAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm