GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT XUẤT BẢN (SỬA ĐỔI)

Cần quy định rõ chủ thể chịu trách nhiệm

Ngày 29-3-2012, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị tại TP.HCM lấy ý kiến đóng góp cho dự án Luật Xuất bản - in - phát hành dự kiến đưa ra trình Quốc hội khóa XIII trong kỳ họp thứ ba tới đây.

Ngay phần đề dẫn, đại diện Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã không dùng cái tên Dự án Luật Xuất bản - in - phát hành mà dùng tên Luật Xuất bản (sửa đổi). Quan điểm của Ủy ban là: Luật Xuất bản chỉ nên điều chỉnh những vấn đề liên quan đến hoạt động xuất bản. Hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm cần xây dựng một luật riêng. Hầu hết các ý kiến tại hội nghị đều đồng ý giữ nguyên tên Luật Xuất bản ghi chú thêm sửa đổi (sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi).

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ băn khoăn: “Ngành đang rất neo người, lại cần có những biên tập viên rất chuyên ngành như kinh tế, tôn giáo…, có khi cần tận dụng nguồn lực từ nước ngoài, Luật sửa đổi quy định biên tập viên phải là công dân Việt Nam như vậy ngành xuất bản phải tự trói tay mình”. Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhấn mạnh trong luật cũ và cả Luật sửa đổi chỉ quy định giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm khi xảy ra sai phạm nội dung, trong khi cơ quan chủ quản không chịu trách nhiệm gì. Nay cần quy định rõ cơ quan chủ quản của nhà xuất bản cũng phải chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Minh Nhựt lại bức xúc: “Tại sao khi có sai phạm, nhà xuất bản phải chịu xử lý rất nặng như đình chỉ hoạt động, cách chức giám đốc, thậm chí giải thể, truy cứu trách nhiệm hình sự…, trong khi đó các đối tác liên kết làm sách chỉ bị phạt tiền, xử lý hành chính, cùng lắm là cấm liên kết. Tôi đề nghị Luật sửa đổi cũng phải quy trách nhiệm chế tài thật nặng, thật sòng phẳng. Thực tế cho thấy hầu hết các sách sai phạm nội dung đều xảy ra ở sách liên kết. Mà trong thực tế sách liên kết chiếm tỉ lệ rất cao”. Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, đề nghị cân bằng hơn: “Theo tôi, Luật sửa đổi cần thể hiện sự bình đẳng trong ứng xử với tư nhân liên kết xuất bản. Cần khen thưởng, biểu dương, khích lệ những doanh nghiệp giỏi, tâm huyết và có đóng góp giá trị cho sự phát triển của ngành. Với những hành vi vi phạm của đối tượng này, cũng cần được nghiêm trị thích đáng, đủ sức răn đe”.

Đứng ở góc độ nhà phát hành, ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Phát hành sách TP.HCM - Fahasa, đề nghị: Luật sửa đổi yêu cầu quản lý bản quyền ở những đơn vị phát hành sách là sự vô lý. Chính nhà xuất bản mới phải chịu trách nhiệm về điều này với chủ sở hữu khi ký kết hợp đồng in ấn. Đơn vị phát hành chỉ có thể yêu cầu nhà xuất bản cung cấp bao nhiêu bản sách và thanh toán trên số lượng đó.

Lơ là nộp lưu chiểu

Nhiều nhà xuất bản đã làm lơ việc nộp ấn phẩm xuất bản mới lưu chiểu cho Thư viện Quốc gia theo quy định. Việc lưu giữ ấn bản phẩm mang ý nghĩa quốc gia, nó bảo tồn di sản văn minh, văn hóa tri thức của nước nhà và nhân loại qua các thời kỳ cho các thế hệ mai sau. Nó tạo ra kho quốc gia tài liệu, là chứng cứ phân giải các vụ kiện tác quyền... Ở các quốc gia khác như Anh, Pháp, Mỹ, các nhà xuất bản nào vi phạm bị xử phạt rất nặng. Luật xuất bản mới nên có quy định việc xử phạt này thật nặng.

Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia LÊ VĂN VIẾT

HÒA BÌNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm