TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG VĨNH:

“Cần xem lại việc cho thuê đất rừng”

Đầu tháng 2, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh có thư kiến nghị lên Trung ương Đảng nêu ý kiến cảnh báo mạnh mẽ việc một số tỉnh cho doanh nghiệp nước ngoài thuê dài hạn một diện tích lớn đất rừng đầu nguồn. Pháp Luật TP.HCM có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Trọng Vĩnh.

. Vì sao ông phản đối các dự án cho thuê đất rừng?

+ Như tôi đã nêu trong thư kiến nghị, cho nước ngoài thuê rừng, nhất là rừng đầu nguồn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hiểm họa. Người ta có thể chặt phá, khai thác bừa bãi mà hậu quả sẽ hết sức nghiêm trọng: thủy lợi hết nước, lũ lụt, lũ quét đổ về đồng bằng. Đó là chưa kể mối đe dọa về an ninh quốc phòng.

Cho thuê dài hạn lại càng không thể được. 50 năm là quá dài, ba thế hệ chứ có ít đâu. Phía doanh nghiệp nước ngoài sẽ đưa người sang khai thác, làm nhà, định cư, hình thành những cộng đồng dân cư ở một số vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng…

. Nhưng phản hồi từ phía địa phương như Lạng Sơn cho rằng chính quyền có cơ chế để có thể giám sát, kiểm soát các dự án?

+ Họ nói vậy chứ cho thuê dài hạn ai mà kiểm soát được! Họ không kiểm soát nổi đâu mà có khi cũng chẳng buồn kiểm soát.

“Cần xem lại việc cho thuê đất rừng” ảnh 1

Theo Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, việc cho nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó kiểm soát. Ảnh: HTD

Ở đây tôi cũng muốn nói rõ không ai lại đi phản đối các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài, tôi cũng vậy. Nhưng thu hút đầu tư thì phải là đầu tư vào các ngành công nghiệp, công nghệ, sản xuất ra hàng tiêu dùng chứ không phải đầu tư vào đất đai. Nước ta là nước nông nghiệp, dân rất đông, người cày còn thiếu ruộng, sao lại đem đất cho nước ngoài thuê?

. Bây giờ trở lại với các dự án cho thuê đất rừng, ông nghĩ có giải pháp nào?

+ Phải đình chỉ ngay các dự án chưa ký kết, còn nếu đã ký rồi thì cũng chấm dứt, chấp nhận bồi thường. Về dài hạn, phải có chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý. Tôi chỉ có thể kiến nghị như vậy thôi.

. Xin cảm ơn ông.

Trong bảy năm được Đảng, Chính phủ giao phụ trách Chương trình 327 (Chương trình cấp nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng - PV), tôi đã cùng các bộ, các địa phương lặn lội khắp mọi nẻo rừng, ven biển, các đảo; đã từng leo nhiều ngọn núi cao hàng ngàn mét, từ bước chân, qua ống nhòm đã tận mắt thấy cảnh tàn phá rừng để làm nương rẫy, chặt phá gỗ quý để sử dụng và xuất khẩu.

Mối nguy hại của việc tàn phá rừng đầu nguồn thế nào mọi người đều đã rõ. Bởi vậy, trồng rừng đầu nguồn là vấn đề sống còn, là sinh mệnh của người dân, chúng ta không chỉ trồng rừng mà còn phải bảo vệ rừng.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn

ĐOAN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm