Chậm ra nghị định sẽ có chế tài?

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên báo cáo với Phó Thủ tướng - Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn cán bộ liên ngành tại buổi Phó Thủ tướng thăm, làm việc tại bộ này ngày 13-12.

Theo Bộ Tư pháp, công tác xây dựng, theo dõi, đôn đốc chương trình xây dựng văn bản QPPL còn bị cắt khúc. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm giúp Chính phủ xây dựng, theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành trong việc xây dựng và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhưng không được giao xây dựng, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chương trình xây dựng nghị định và các đề án thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tư pháp có nhiệm vụ tham mưu xây dựng pháp luật về hình sự, pháp luật xử lý vi phạm hành chính nhưng không quản lý công tác thi hành pháp luật trong hai lĩnh vực này...

Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Tạ Thị Minh Lý thì nêu bất cập hiện nay: Bộ nào xây dựng luật thì đồng thời tổ chức thi hành luật đó và báo cáo trước Quốc hội. Vì thế những khiếm khuyết, hạn chế của việc thi hành luật ít khi Quốc hội nghe được. “Để việc đánh giá được khách quan và toàn diện, bên cạnh bộ chủ quản phát biểu về việc theo dõi, tổ chức thực hiện thì cần có cơ quan độc lập đánh giá” - bà Lý đề xuất.

Chuyên gia cao cấp của bộ, bà Dương Thanh Mai, kiến nghị hằng tháng Văn phòng Chính phủ có thể tổ chức giao ban; những bộ, ngành có nghị định đến thời hạn phải ban hành mà chậm thì phải báo rõ nguyên nhân. “Nếu nguyên nhân do cơ chế phối hợp thì Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ. Còn chậm vì lý do chủ quan của các bộ, ngành thì đề nghị phải có chế tài” - bà Mai nói.

Đ.MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm