Chặn đứng các quy định… trên trời

Chặn đứng các quy định… trên trời ảnh 1
Trong những năm gần đây, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được cơ quan có thẩm quyền ban hành nhưng không thi hành được vì không phù hợp với thực tế, phải sửa đổi nhiều lần mà người dân vẫn gọi vui là “luật trên trời”. Vậy cần phải làm gì để hạn chế những văn bản như thế? Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu bài phân tích của TSVũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Hệ thống pháp luật của Nhà nước ta đang tồn tại nhiều vấn đề và muốn giải quyết được nó thì phải sửa từ gốc, tức là phải sửa ngay từ hoạt động lập pháp của Quốc hội (QH), đồng thời đảm bảo quyền giám sát của người dân.

Luật “ống”, luật “khung” và luật “treo”

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “luật trên trời”, trong đó đáng lưu ý nhất là do công tác làm luật của QH. QH muốn họp ít ngày mà lại thông qua được nhiều luật nên thường chỉ ban hành luật khung, luật nguyên tắc, dẫn đến tình trạng “luật treo” do chưa có văn bản, quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành khi luật đã có hiệu lực. Nếu những văn bản này không được ban hành vào ngày luật có hiệu lực thì luật “hãy đợi đấy”. Hiện nay có nhiều luật phải chờ hàng chục văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành như Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 nhưng phải chờ 13 văn bản, Luật Năng lượng nguyên tử có hiệu lực từ ngày 1-9-2009 nhưng phải chờ chín văn bản...

Để khắc phục tình trạng “luật treo”, Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 đã quy định rõ cơ quan chủ trì soạn thảo có nhiệm vụ kiến nghị, phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của dự thảo. Tuy nhiên, trên thực tế thì quy định này không có tính khả thi. Ngay cả Hiến pháp năm 1992 đã có hiệu lực hơn 20 năm nhưng QH vẫn chưa ban hành đủ luật để thi hành Hiến pháp. Bởi vậy, có vị đại biểu QH nói rằng: “Không chỉ luật mà Hiến pháp cũng treo”. Ví dụ như Hiến pháp có quy định công dân có quyền biểu tình, có quyền lập hội theo quy định của pháp luật nhưng hiện nay ở nước ta vẫn chưa có Luật Biểu tình, Luật về hội.

Nếu cách làm luật như hiện nay cứ kéo dài thì QH sẽ giống như một đầu tàu chạy rất nhanh mà không kéo theo toa chở hành khách hay chở hàng nào.

Chặn đứng các quy định… trên trời ảnh 2

Việc quy định người bán hàng rong, thức ăn đường phố phải đi khám sức khỏe, phải có đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu là một “ý tưởng” bất khả thi. Ảnh: HTD

Thích cấm đoán hơn giúp đỡ dân

Một nguyên nhân khác là các bộ, ngành cũng muốn lĩnh vực do mình quản lý có luật điều chỉnh nhưng trình độ, năng lực tổ chức, quản lý, điều hành chưa đáp ứng yêu cầu mà lại muốn thực hiện tư tưởng duy ý chí “nhiều, nhanh, tốt, rẻ” nên mới có tình trạng kể trên.

Nhiều cán bộ trong bộ máy nhà nước chưa nhận thức rõ và thực hiện đúng Điều 2 của Hiến pháp năm 1992 là “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật” và “Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, cán bộ Nhà nước là công bộc của dân”, tức là cán bộ nhà nước có trách nhiệm tổ chức cuộc sống tốt hơn cho người dân chứ không phải là “quản lý người dân” bằng cách ban hành các lệnh “cấm”. Tuy nhiên, thực tế thì nhiều cơ quan nhà nước lại đang làm luật theo hướng “quản lý” người dân thật chặt, “ép” người dân phải thực hiện theo ý kiến chủ quan của mình theo kiểu “không quản được thì cấm”. Chẳng hạn, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông thì một số cơ quan chức năng đã đưa ra “sáng kiến” như cấm xe mang biển số các tỉnh khác vào Hà Nội, mỗi người Hà Nội chỉ được đăng ký một chiếc xe máy hay xe biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ,… Những quy định này là không hợp lý và vi phạm quyền công dân nên không được người dân chấp nhận.

Việc đưa ra những “sáng kiến” này cho thấy tư duy “quản lý” người dân của nhiều cán bộ nhà nước không phải là tư duy của người “đầy tớ, công bộc của dân”, không thể hiện đúng Hiến pháp năm 1992.

Sửa từ hoạt động lập pháp của QH

Để khắc phục tình trạng “luật treo”, luật phải chờ có văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành mới đi vào cuộc sống thì trước hết phải sửa từ gốc, tức là phải sửa từ hoạt động lập pháp của QH.

Tiếp theo là các cơ quan nhà nước ở các cấp phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Khi QH ban hành luật, vấn đề nào có thể quy định được ngay thì phải quy định luôn, không để lại cho Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành. Chỉ những vấn đề chưa ổn định, còn biến động trong cuộc sống thì mới giao cho Chính phủ.

Chính phủ, các bộ, ngành cũng cần phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, không được “lấn sân” hoặc dành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho bộ, ngành khác và cuối cùng là cho người dân. Chỉ khi nào các cơ quan nhà nước thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình thì mới tránh được tình trạng “ngồi trên trời làm luật”, mới ban hành được những văn bản hợp lòng dân, có tính khả thi cao, mới đưa được cuộc sống vào pháp luật chứ không phải ngược lại là đưa pháp luật vào cuộc sống, tức là gọt chân theo giày.

Trao quyền giám sát cho dân

Chúng ta đã khẳng định Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân thì phải bảo đảm quyền giám sát thực sự của người dân. Đây là vấn đề rất quan trọng và phải được thực thi nghiêm túc nếu chúng ta muốn sửa chữa các lỗ hổng trong hệ thống pháp luật. Điều 6, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định người dân được thực hiện quyền dân chủ bằng hai hình thức là “dân chủ đại diện” và “dân chủ trực tiếp”. Quy định này là một tiến bộ lớn.

Bên cạnh đó, việc tăng cường kiểm tra, giám sát lẫn nhau của chính các cơ quan nhà nước cũng là điều hết sức cần thiết. Chúng ta cũng cần phải có cơ quan giám sát chung, cao hơn để đảm bảo các hoạt động này diễn ra đúng Hiến pháp và đúng luật. Cơ quan giữ trọng trách này chính là cơ quan bảo hiến. Điều 120 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định thành lập Hội đồng Hiến pháp là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan này được tổ chức và hoạt động thế nào là vấn đề còn phải bàn thảo nhiều.

Hiện tại, việc chúng ta có thể làm ngay là tăng cường sự kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước bằng cách tăng cường hoạt động của Hội đồng Dân tộc các ủy ban của QH trong việc giám sát các hoạt động cụ thể của các cơ quan nhà nước về từng lĩnh vực được giao, bao gồm công tác giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và thi hành các luật đã ban hành. Hội đồng Dân tộc các ủy ban phải là cơ quan gác cổng cho QH trong việc giám sát sự thực thi luật và các VBQPPL.

Như vậy, để chặn đứng các quy định trên trời không phải là không làm được. Điều cốt yếu là các cơ quan nhà nước, từ QH đến Chính phủ và các bộ, ngành có quyết tâm sửa hay không mà thôi. Lâu nay có vấn đề vướng mắc, khó giải quyết, chúng ta thường đổ lỗi “tại cơ chế”. Thế nhưng cơ chế là do ta đặt ra, sao ta không thay đổi cơ chế đi, không “tự cởi trói cho mình”? Các cụ dạy phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” kia mà.

Một số quy định, “ý tưởng” bất khả thi

Sự bất khả thi này có thể là do bản thân quy định đó quá vô lý, tréo ngoe khiến người dân phản ứng, không chấp nhận. Tuy nhiên, cũng có những quy định đúng đắn, cần thiết nhưng lại thiếu cơ chế thực hiện khiến văn bản ban hành rồi… để đấy, dẫn đến bất khả thi.

Y tế 

- Ngực lép không được đi xe máy trên 50cc (Quyết định số 33/2008 của Bộ Y tế);

- Người bán hàng rong, thức ăn đường phố phải đi khám sức khỏe, phải có đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu (Thông tư số 30/2012 của Bộ Y tế);

- Cấm hút thuốc lá, thuốc lào ở nơi công cộng (Quyết định số 1315/2009 của Thủ tướng Chính phủ).

 Giao thông 

- Xe biển chẵn đi ngày chẵn, xe biển lẻ đi ngày lẻ;

- Mỗi người dân chỉ được đứng tên một xe gắn máy (Thông tư số 02/2003 của Bộ Công an).

 Nông nghiệp 

- Không được bán thịt động vật quá 8 tiếng kể từ khi giết, mổ (Thông tư số 33/2012 của Bộ NN&PTNT);

- Chó, mèo cũng phải “chính chủ” (Quyết định số 2891/2012 của Bộ NN&PTNT).

  Văn hóa  

- Chỉ “kính thưa”… một người (Nghị định số 154/2004);

- Mỗi di tích chỉ đặt một hòm công đức (Chỉ thị số 16 của Bộ VH-TT&DL về việc tăng cường công tác chỉ đạo quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại di tích);

- Cấm đốt đồ mã ở nơi công cộng (Nghị định số 75/2010);

- Không để ô kính trên nắp quan tài (Nghị định số 105/2012).

 Giáo dục 

- Trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi không được học trường quốc tế (Nghị định số 73/2012).

TS VŨ ĐỨC KHIỂN (ĐỖ HÀ ghi)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.