Chỉ lấy phiếu tín nhiệm chức danh khối hành pháp và tư pháp

Để phản ánh được thực chất, nhiều thành viên trong Ủy ban Thường vụ QH khi tham dự cuộc họp sáng 12-9 về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã đề nghị sửa đổi quy định theo hướng: Chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với khối hành pháp, tư pháp. Đồng thời, phiếu tín nhiệm cũng chỉ ở hai mức “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”.

Bỏ phiếu cho mình là không phù hợp

Là người đầu tiên phát biểu, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Kso Phước tỏ ra khá tâm tư khi kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở QH và HĐND cho thấy hầu hết các chức danh dân cử ở QH và HĐND đều được tín nhiệm cao hơn rất nhiều so với khối hành pháp, tư pháp. “Việc này cũng là tất yếu thôi, vì công việc của anh không va chạm với dân nên mức độ sai phạm rất hiếm, trừ khi phạm tội” - ông Kso Phước thẳng thắn nói.

Do đó “để khỏi mất thời gian và tốn kém tiền bạc”, ông Kso Phước đề nghị không lấy phiếu tín nhiệm đối với đại biểu dân cử. Còn khối hành pháp, tư pháp thì tiếp tục lấy, ai không được tín nhiệm theo quy định thì sẽ bị bãi miễn.

Chỉ lấy phiếu tín nhiệm chức danh khối hành pháp và tư pháp ảnh 1

Bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa VIII. Ảnh: Thế Anh

Cùng chung nhận định, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho hay “có rất nhiều ý kiến của nhân dân, cử tri phàn nàn là tại sao đại biểu QH đi bỏ phiếu cho đại biểu QH. Như thế là không phù hợp”.

“Tính chất của hai cơ quan lập pháp và cơ quan dân cử là khác nhau. Hoạt động dân cử không phải theo chế độ thủ trưởng mà là bình đẳng. Chủ nhiệm ủy ban hay chủ tịch QH thì mỗi cá nhân cũng chỉ có một phiếu chứ không có quyền quyết định. Trên thế giới cũng chẳng ai làm như thế, người ta chỉ bỏ phiếu bất tín nhiệm thôi” - ông Hiển nêu ý kiến và đồng ý không lấy phiếu tín nhiệm đối với khối dân cử.

Chỉ còn hai mức tín nhiệm

Đề cập ba mức tín nhiệm “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” quy định trong nghị quyết của QH, ông Sơn cho biết cử tri rất không đồng tình với quy định này, vì như thế là dung hòa, khó có ai bị không tín nhiệm. “Tôi đề nghị Thường vụ QH nên tổng kết việc này để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp. Chứ nhân dân và cử tri hiện đều cho rằng làm như thế không thực chất và khó thể hiện được chính kiến. Do đó, cần quy định lại chỉ ở hai mức là “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Nếu bị đưa vào diện bỏ phiếu “bất tín nhiệm” thì mới đề hai mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” - ông Sơn nói.

Có quan điểm khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lại đề nghị chưa nên sửa đổi ngay. Bởi việc lấy phiếu tín nhiệm mới làm được một lần, chưa đủ cơ sở khẳng định phải sửa. “Ba mức lấy phiếu tín nhiệm có thể không tập trung. Nhưng mục đích của lấy phiếu là thực hiện theo quy định của Đảng. Hơn nữa lấy phiếu là đánh giá tín nhiệm, sau đó trường hợp nào không đạt mới bỏ phiếu bất tín nhiệm” - ông Lý cho hay.

Tuy nhiên, ông Kso Phước cho rằng nếu giữ nguyên ba mức như hiện hành sẽ dễ dẫn đến tình trạng lấy phiếu tín nhiệm không thực chất, dung hòa. Vì thế, nên sửa lại và chỉ để ở hai mức “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”.

Chức càng thấp, càng bị tín nhiệm thấp

Báo cáo về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho hay: Ở QH không chức danh nào có tỉ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50%, còn cấp tỉnh chỉ có hai người, cấp huyện là 12 người và cấp xã là 396 người.

Nhìn nhận về con số trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng dường như có xu hướng càng xuống cấp dưới thì số phiếu tín nhiệm càng thấp. “Chúng ta cũng phải đặt ra câu hỏi là tại sao phiếu tín nhiệm thấp ở cấp xã lại gấp nhiều lần cấp tỉnh, cấp huyện đến như vậy. Phải chăng công tác cán bộ ở trung ương, tỉnh, huyện làm tốt hơn ở cấp xã? Theo tôi, cần phải xem xét lại công tác cán bộ chứ không chỉ là những con số tròn vo nêu trên” - ông Hiện nói.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm