“Chí trai dưới mái tóc già”

Giữa năm 2006, ông Nguyễn Văn An rời ghế Chủ tịch Quốc hội (QH) trong sự lưu luyến của không ít đại biểu và cử tri. QH khóa XI là QH của những đổi mới mạnh mẽ và ông được xem là nhân vật trung tâm của sự đổi mới đó.

Báo chí nghe chuyện “cung đình”

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Mão kể: Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An là người đầu tiên ủng hộ quyết định cho báo chí vào “nghe chuyện cung đình”. “Đây là một quyết định táo bạo, sáng suốt, mang dấu ấn của cá nhân anh Nguyễn Văn An” - ông Mão nhấn mạnh.

Lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của QH, các nhà báo được phép theo dõi trực tiếp và đưa tin về các phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH). 51 phiên họp của UBTVQH với tất cả những nội dung trước khi trình QH được bàn thảo sôi nổi, thậm chí là gay gắt đã được chuyển tải tương đối đầy đủ trên mặt báo.

Ông An nhớ lại: “Khi mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch QH khóa XI, tôi đã chủ trương để báo chí vào công khai thông tin cho dân biết. Mình là đại biểu của dân thì bàn chuyện dân việc gì phải giấu? Có đồng chí cứ ngại vì sợ mình phát biểu có gì “thất thố” mà báo chí đăng thì ảnh hưởng này nọ. Cũng có đồng chí chạy đến tôi kêu: “Báo chí đăng như thế thì không ổn”! tôi hỏi lại: “Anh xem lại xem báo chí nói thế có đúng không, có sai lời anh không? Nếu báo chí sai, tôi sẽ đề nghị xử lý báo chí. Nếu anh nói sao báo chí đăng vậy thì trách phóng viên sao được?”. Quan điểm của tôi là các đại biểu QH, nhất là các đồng chí trong UBTVQH nói gì thì dân phải biết để dân còn giám sát. Phải có báo chí vào đăng ý kiến từng người để dân đánh giá từng người, chứ cứ phát biểu xong rồi ra nghị quyết tập thể thì dân theo dõi sao được.

“Ðừng gieo tiếng cho Đảng”

Trong nhiều phiên QH thực hiện quyền chất vấn, một số quan chức hành pháp, tư pháp có thói quen “mượn” danh cấp ủy, “dựa” vào các văn bản của Đảng ra để né trách nhiệm cá nhân. Ông Nguyễn Văn An kiên quyết phê phán, loại trừ “thói quen” đó.

Điển hình là phiên chất vấn ông Quách Lê Thanh, Tổng Thanh tra Chính phủ, ngày 14-6-2006. Khi ấy ông Thanh nhận được nhiều câu hỏi hóc búa về trách nhiệm cá nhân ông đối với những sai phạm, thiếu sót trong cơ quan thanh tra xung quanh vụ việc Lương Cao Khải khai ba lần đưa tiền nhờ ông Thanh chạy tội. Ông Thanh trả lời rằng việc này việc kia mình đã báo cáo Trung ương. Quá bức xúc, Giáo sư-tiến sĩ Trần Ngọc Đường đứng bật dậy: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang làm công việc của nhà nước. Đảng ta rất nhiều lần nói là phải phân định rõ sự lãnh đạo của Đảng với công tác quản lý của bộ máy nhà nước. Không nên lẫn lộn, dựa dẫm, ỷ lại vào các cơ quan Đảng”. Ông Thanh cũng nóng mặt, nói lại liền: “Tôi thấy Đảng bảo giải trình thì tôi giải trình, kết luận thì tôi cũng nói kết luận như thế. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nói điều này với thầy Đường thì chắc là hơi thừa, tôi là cá nhân thì chấp hành ý kiến chỉ đạo của cấp trên”.

Ngồi trên ghế chủ tọa, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An rành rọt: “Tôi phải nói thêm chứ không thì oan Đảng. Đảng lãnh đạo chứ Đảng không làm thay... Các thủ tục hành chính mà đại biểu Trần Ngọc Đường nêu rất đáng quan tâm. ở đây, cả hai báo cáo (của Tổng Thanh tra - PV) đều viện dẫn những báo cáo của đảng ủy cơ quan, đảng ủy khối và Ủy ban Kiểm tra trung ương. Không những trường hợp này mà ở các địa phương chúng tôi theo dõi, thấy UBND địa phương cũng hay viện dẫn văn bản của Đảng. Báo cáo với Đảng hoàn toàn đúng, những văn bản của Đảng hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đây là những văn bản trong nội bộ Đảng, thể hiện sự quản lý của Đảng theo điều lệ và nguyên tắc của Đảng. Còn thủ trưởng đơn vị lại không chấp hành đúng quy định của luật pháp nhà nước về thủ tục hành chính thì cái đó là sai của thủ trưởng đơn vị. Cái sai ấy không phải là do văn bản của Đảng”.

Hôm đó, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An nói về chuyện này hơn nửa tiếng đồng hồ. Ông kết luận: “Theo tôi, không thể nói Đảng bí mật hơn nhà nước, Đảng không bao giờ nói như vậy, các đồng chí mà nói như vậy là oan cho Đảng. Các cơ quan nhà nước đừng kéo các tổ chức Đảng vào những việc của mình”.

“Chết cũng phải nói!”

Tháng 5-2006, tại phiên họp thứ 39 của UBTVQH, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân “nhức đầu”. Nói về trách nhiệm quản lý đô thị của bộ này khi bàn về dự án Luật kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã phân tích những bất cập trong quản lý đô thị: bất hợp lý trong đền bù giải tỏa gây khiếu nại tăng cao và phát sinh tiền đền bù cao chóng mặt, các phương án hợp lý vừa giải tỏa được, vừa tạo cảnh quan hai bên đường lại tạo công bằng - tránh tình trạng người ở mặt tiền mất nhà, người trong hẻm hưởng lợi vì bỗng ra mặt tiền... đã không được chấp nhận... Có những đề xuất đã có trước đó những 14 năm.

Chủ tịch QH Nguyễn Văn An cứ vặn đi vặn lại: “Cách đây 14 năm, anh đề xuất như thế, theo tôi rất đúng. vậy nguyên nhân tại sao các ngành họ không chịu? Tại sao họ lại không đồng ý? Trách nhiệm này thuộc Bộ nào?”. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nói: “Trách nhiệm của Chính phủ thì rõ rồi, còn trách nhiệm của các bộ thì Bộ Xây dựng có một phần...”. “Anh trả lời vòng vo xa quá! tôi chỉ hỏi chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ và giúp Chính phủ quản lý là ai?”...

Rồi Chủ tịch QH Nguyễn Văn An nghiêm khắc: “Cái mà anh tham mưu cho Chính phủ về quy hoạch xây dựng một đô thị “lấy nó nuôi nó”, anh đề xuất đầu tiên tức là trách nhiệm của Bộ Xây dựng chứ! Cách đây 14 năm anh đã đề xuất mà không được Chính phủ chấp nhận, theo tôi thì anh vẫn phải chịu trách nhiệm. không phải Chính phủ không chấp nhận là anh không phải chịu trách nhiệm... Trách nhiệm không có nghĩa là xem xét, kỷ luật đâu nhưng trách nhiệm về tinh thần, trách nhiệm với nhân dân. Dù trong quản lý có tình trạng “mỗi người một mẫu” - ai chẳng biết nhưng tổng hợp lại để tham mưu cho Chính phủ thì chết cũng phải nói! Hôm nay nói chưa nghe thì mai nói tiếp, về hưu thì vào câu lạc bộ vẫn nói. Giống như có ông Chanh vào câu lạc bộ thủy lợi, ông ấy đến QH cãi tới cùng về thủy điện Sơn La. Tôi đề nghị nếu sau này anh Quân có làm to nữa nhưng về hưu vẫn cứ phải nói...”.

Dù bây giờ đã rời chính trường, song câu chuyện mà vị nguyên Chủ tịch QH vẫn hết sức say sưa vẫn là câu chuyện về dân chủ, công khai, minh bạch, trách nhiệm trong hoạt động của bộ máy Đảng, bộ máy nhà nước. Lời chia tay của ông nhấn mạnh: “Nói đến dân chủ là nói đến pháp luật, không bao giờ và không ở đâu có dân chủ ngoài luật”.

Khi đặt bút kết thúc loạt bài này, tôi chợt nhớ đến hai câu kết trong một bài thơ ông An viết tặng người bạn già Vũ Mão và dường như trong đó có hình ảnh của chính ông:

“Chí trai dưới mái tóc già,

Chung lưng đấu cật khúc ca khải hoàn”.

Không nước nào để bộ chủ quản soạn luật

Trong một lần trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An nói thẳng: “Tôi khẳng định nếu cứ duy trì cách làm luật như bây giờ, bộ nào soạn thảo luật về ngành đó thì không bao giờ tiến bộ được. Khắp gầm trời này, không nước nào để bộ chủ quản soạn thảo luật mà mình lại cứ giao cho bộ. Thế mới “ghê”, mà lại coi như không có vấn đề gì cả! Bây giờ cứ sang hỏi Vụ Pháp chế bên Văn phòng Chính phủ xem họ còn nợ biết bao nhiêu nghị định? Không có nghị định, thông tư thì làm sao luật đi vào cuộc sống? Quản lý bằng pháp luật mà không có pháp luật thì quản lý làm sao được? Bên Thái Lan, thủ tướng có một hội đồng tư vấn pháp luật 108 người, gồm toàn các chuyên gia giỏi. Giúp việc cho đội ngũ chuyên gia ấy còn có 300 nhân viên khác. Có những luật thủ tướng giao cho bộ phận này trong vòng hai tuần phải soạn thảo xong, cùng lắm là đến hai tháng chứ không bao giờ kéo dài đến hai năm như ta. Họ làm việc rất chuyên nghiệp, chỉ cần nêu ý tưởng, tức là đưa ra chính sách là họ sẽ bắt tay vào làm luật. Để đổi mới cách thức làm luật của ta nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, phải đổi mới cách nghĩ, cách làm và đổi mới cả tổ chức. Phải có bộ máy chuyên xây dựng luật của QH và Chính phủ chứ không giao cho bộ ngành nữa...”.

LÊ KIÊN - NHỊ NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm