Chính phủ đề nghị sửa Điều 60 Luật BHXH

Sáng 21-5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã báo cáo với Quốc hội (QH) các vấn đề liên quan tới Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).

Vì sao có Điều 60?

Theo bà Chuyền, căn cứ để Chính phủ trình và sau đó QH thông qua Điều 60 Luật BHXH năm 2014 là bất cập từ quy định được hưởng chế độ một lần của luật BHXH năm 2006. Từ khi luật này có hiệu lực đến năm 2014, bình quân 100 người được hưởng bảo hiểm thì chỉ 20 là nhận lương hưu hằng tháng, còn lại đều xin hưởng chế độ một lần. Cơ chế này về lâu dài dẫn tới tình trạng bấp bênh trong cuộc sống khi hết tuổi lao động.

Năm 2012, Trung ương Đảng ra nghị quyết về chính sách xã hội, trong đó đặt mục tiêu 50% lực lượng lao động tham gia BHXH tới năm 2020. Từ định hướng này và để tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, Chính phủ đã trình và QH đã thông qua Luật BHXH 2014 với Điều 60 thu hẹp đối tượng hưởng chế độ một lần chỉ gồm người lao động mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư, bại liệt, AIDS..., hoặc về già hết tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu. Các trường hợp còn lại thì chọn phương pháp bảo lưu cho đến khi đủ điều kiện hưởng chế độ.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu thực tế: Người lao động khi mất/nghỉ việc có xu hướng muốn lấy chế độ một lần để trang trải cuộc sống trước mắt chứ chưa nghĩ đến sau này. Nhiều công nhân gia đình ở xa, chỉ có ý định làm việc một thời gian rồi về quê làm ăn nên cũng muốn rút hết quyền lợi bảo hiểm ngay.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trình bày báo cáo về Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Ảnh: TTXVN

Người lao động được quyền lựa chọn

Trước tình hình đó, Chính phủ đề nghị QH xem xét điều chỉnh cả Điều 60 và Điều 77 trở lại như tinh thần luật năm 2006, để cả hai đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện khi chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu có quyền lựa chọn hưởng chế độ một lần hoặc bảo lưu đợi đủ điều kiện.

Báo cáo trên của Chính phủ được Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH chia sẻ, ủng hộ. Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho biết trước tính cấp bách của vấn đề, ngày 19-5, ủy ban đã họp toàn thể lấy ý kiến các thành viên. Kết quả đa số đồng tình với đề xuất của Chính phủ, theo hướng “trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia BHXH”. Đồng thời cần có lộ trình nâng dần điều kiện hưởng BHXH một lần, giảm dần số người không có lương hưu khi về già. Đây cũng là giải pháp căn cơ để giảm sức ép lên ngân sách.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng:

Liên đoàn từng đề nghị giữ nguyên…

Chính phủ đề nghị sửa Điều 60 Luật BHXH ảnh 2
Khi xây dựng luật năm 2014, tổng liên đoàn đề nghị giữ nguyên quy định của luật năm 2006. Nhưng ý kiến khác, chiếm đa số, lại đánh giá lợi ích lâu dài cho người tham gia BHXH nên mới có Điều 60.

Ai cũng biết nhận chế độ một lần rất thiệt thòi. Ai chẳng muốn công ăn việc làm ổn định, tham gia BHXH lâu dài để về già lãnh lương hưu. Nhưng cực chẳng đã, nhất là công nhân trong ngành dệt may, da giày sau một thời gian làm việc, sức khỏe suy giảm, không tìm được công việc khác thì cũng phải giải quyết cho người ta chứ.

Lần này Chính phủ đề nghị sửa, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng tán thành thì QH khi thảo luận chắc sẽ đồng tình sửa thôi. Hiện Chính phủ chưa trình dự thảo chính thức sửa đổi Luật BHXH. Nhưng tôi nghĩ nếu cần, QH ra nghị quyết không thực hiện điểm a Điều 60 cho đến khi sửa luật thì sẽ xử lý được tình huống này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sĩ Lợi:

Tiền đóng BHXH là của để dành

Chính phủ đề nghị sửa Điều 60 Luật BHXH ảnh 3
Nếu được giải thích với những công nhân phản đối Điều 60, tôi sẽ nói ai thực sự khó khăn, cần tiền để giải quyết thì có thể chọn hưởng chế độ bảo hiểm một lần. Nhưng rút về mà không phát triển được, không lo được lâu dài thì nên để lại.

Tiền đóng BHXH là của để dành. Không có điều kiện tham gia BHXH tiếp cũng không sao cả. Mình có quyền bảo lưu, rồi đi làm nơi này nơi khác, tiếp tục BHXH, cộng dồn lại cho đủ 20 năm để về già còn có lương hưu. Còn không may thì sau này bệnh trọng, già yếu vẫn có quyền rút hưởng một lần chứ có mất đâu.

Về việc sửa Luật BHXH 2014 như đề nghị của Chính phủ, chúng tôi ủng hộ. Nhưng chưa làm được ngay trong kỳ này cũng không sao cả. Đầu năm sau luật mới có hiệu lực, để kỳ họp QH cuối năm vẫn kịp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm