Chính phủ trấn an: Có thể kiểm soát được lạm phát

Phiên họp thường kỳ ngày 2 và 3-3, Chính phủ dành hẳn một ngày phân tích tình hình lạm phát, nguyên nhân và giải pháp. Các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã có những báo cáo riêng đánh giá vấn đề này. Kết thúc phiên họp, theo yêu cầu của Thủ tướng, ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã xuất hiện, trả lời mọi câu hỏi liên quan đến vấn đề nóng bỏng này.

Chưa đến mức phải quá lo ngại

Ông Thúy cho biết: Qua thảo luận, Chính phủ cho rằng CPI hai tháng vừa qua, 3,35% không có gì là đột biến nếu so sánh với bình quân bảy năm qua (riêng 2008 là lạm phát lên đột biến và 2009 là kéo lạm phát xuống thấp cũng đột biến). Như vậy, chưa có gì phải quá lo lắng về mức tăng giá hai tháng đầu năm và cũng chưa đến mức phải lo ngại rằng lạm phát tăng cao trở lại mặc dù chúng ta không chủ quan.

Về giá tháng 3, kinh nghiệm các năm là tháng sau tết, CPI tăng thấp hoặc giảm. Nhưng chiều hướng năm nay, giá cả tháng 3 có thể tăng cao hơn một chút, do ta vừa trải qua thời kỳ liên tục điều chỉnh tăng giá xăng, điều chỉnh tỉ giá hối đoái và tiếp theo là giá điện và giá than bán cho điện. Như thế, CPI quý 1 sẽ vào khoảng trên 4% một chút. Theo quy luật, CPI quý 1 chiếm 50% của cả năm nhưng nếu điều hành tốt, lạm phát 2010 sẽ giữ được gần mức 7% mà Quốc hội cho phép. Chính phủ hạ quyết tâm đạt chỉ tiêu này.

. Nhưng có những lo ngại là doanh nghiệp đua nhau tăng giá theo giá điện, giá xăng dầu. Chính phủ đánh giá thế nào?

+ Nếu chỉ có yếu tố tăng giá dịp tết thì như bình thường mọi năm, không gây tâm lý lo lắng như thế. Nhưng lần này Chính phủ rút kinh nghiệm là quản lý thị trường, quản lý giá vẫn chưa tốt. Chẳng hạn, lãnh đạo Hiệp hội Thép nói giá điện chiếm 10% giá thành thép, nên giá thép sẽ phải tăng 5%-10%. Rõ ràng mức tăng dự kiến ấy không hợp lý, biểu hiện của “tát nước theo mưa”. Hay như việc điều chỉnh giá xăng thời gian qua là quá dày (từ 24-10 đến nay tăng giá năm lần). Chính phủ nhận thấy cần xem lại cơ chế này để việc điều chỉnh giá xăng dầu không phát đi tín hiệu xấu gây lo lắng cho xã hội.

Chính phủ trấn an: Có thể kiểm soát được lạm phát ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu xem mô hình quy hoạch thủ đô Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Điều hành lãi suất như hiện nay đang đẩy lãi suất ngân hàng lên cao vượt trần quy định, làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Lãi suất tiền gửi hiện nay thực dương so với lạm phát quá lớn, có tác dụng thu hút tiền nhàn rỗi trong dân, góp phần hạn chế lạm phát. Song nó cũng đẩy mức lãi vay cao, tăng chi phí sản xuất kinh doanh, lại thúc đẩy lạm phát. Cho nên chính sách này phải cân bằng hợp lý hơn…

Không để điều chỉnh giá xăng dầu liên tục

. Trước tình hình đó, giải pháp tới đây sẽ thế nào?

+ Thứ nhất, mọi người cần bình tĩnh, không hoang mang. Lạm phát là kiểm soát được, khả năng trên một con số là khó xảy ra. Thực tế, giá thực phẩm ở Hà Nội đã giảm, nguồn cung dồi dào. Lương thực thì giá xuống thấp, đến mức Chính phủ phải mua vào để giữ giá cho nông dân. Những thứ này chiếm gần 40% trong rổ hàng hóa làm căn cứ tính chỉ số giá tiêu dùng.

Thứ hai, về chính sách tiền tệ, mục tiêu 25% tăng trưởng dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán cần thực hiện, lấy đây làm cơ sở để điều chỉnh ngay từ đầu năm. Không nên thắt chặt đầu năm, cuối năm mới nới ra, khó dự báo cho doanh nghiệp. Dỡ bỏ những quy định bất hợp lý về lãi suất ngân hàng, qua đó kéo lãi suất xuống mức hợp lý hơn, theo nguyên tắc thị trường.

Thứ ba, Chính phủ khẳng định tỉ giá hối đoái điều chỉnh như vừa qua là gần sát thị trường, cần giữ ổn định trong cả năm 2010 để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, Chính phủ khẳng định năm nay chỉ tăng giá điện một lần như đã công bố. Còn xăng dầu, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan xem xét lại cơ chế, vẫn theo nguyên tắc thị trường nhưng không để xăng dầu bị điều chỉnh giá quá liên tục, dày đặc, gây tâm lý bất lợi.

Cuối cùng, có giải pháp để huy động được trái phiếu, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhưng không tạo mặt bằng lãi suất mới, cũng như không gây khó khăn về thanh khoản cho ngân hàng.

Vẫn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6,5%

. Kinh tế thế giới phục hồi sẽ làm giá bên ngoài tăng cao, ảnh hưởng tới mặt bằng giá trong nước. Yếu tố này được tính toán thế nào?

+ Phục hồi kinh tế toàn cầu thì giá cả bên ngoài có thể tăng theo, tạo thêm chi phí đẩy cho lạm phát trong nước. Nhưng các dự báo cho thấy kinh tế thế giới phục hồi nhưng đang trầy trật nên giá cả thế giới có tăng nhưng không nhiều. Ảnh hưởng tới thị trường trong nước sẽ ở mức vừa phải.

. Năm 2009, tăng trưởng tín dụng lên tới 37% mà kinh tế vẫn khó khăn. Năm nay khống chế ở mức 25%, liệu có đủ thúc đẩy kinh tế phát triển 6,5%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao?

+ Trong điều kiện bình thường của Việt Nam, tăng dư nợ tín dụng 25% đã có thể bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng 8%. Mức ấy đã là khá cao, vì trên nền tăng mạnh của 2009. Tôi cho rằng không cần tăng đến mức này vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% Quốc hội đề ra.

NGHĨA NHÂN

Chính phủ trấn an: Có thể kiểm soát được lạm phát ảnh 2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm