Chính quyền đô thị phục vụ dân tốt hơn

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết như thế tại hội nghị thông qua dự thảo đề án thí điểm chính quyền đô thị (CQĐT) TP.HCM (gọi tắt là đề án), diễn ra tại TP.HCM, ngày 17-2.

Theo Phó Thủ tướng, việc tổ chức thí điểm CQĐT tại TP.HCM là một vấn đề mới, rất phức tạp và TP đã chuẩn bị đề án này hết sức công phu và trách nhiệm. “TP.HCM là một đô thị đặc biệt, hơn nữa lại có vị trí quan trọng đối với khu vực phía Nam cũng như cả nước. Do đó việc thí điểm tổ chức mô hình CQĐT là cần thiết và phù hợp với xu hướng chung của thời đại” - ông Phúc nhìn nhận. Ông Phúc cũng cho biết thêm sau hội nghị này, tập thể Ban Cán sự Đảng Chính phủ do Thủ tướng chủ trì sẽ nghe trình bày, cho ý kiến về đề án này và sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét tại phiên họp ngày 13-3 tới đây, trước khi đề án được trình ra Quốc hội.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) đang trao đổi với Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải (bìa phải) và đại biểu tại hội nghị thông qua dự thảo đề án thí điểm CQĐT TP.HCM, sáng 17-2.

Động lực nguồn để TP.HCM phát triển mạnh mẽ

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho rằng trung ương đã tạo thêm nhiều điều kiện, chỉ đạo gỡ vướng trong quản lý, điều hành và tiến hành phân cấp nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển của TP.HCM. Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. “Ngoài nguyên nhân chủ quan do sự lãnh đạo điều hành của TP còn có nguyên nhân do cơ chế, chính sách chưa được ban hành đồng bộ. Điều này làm hạn chế tính năng động, sáng tạo, chưa phát huy được hết tiềm năng, ảnh hưởng đến sự phát triển và thực hiện các mục tiêu theo yêu cầu của trung ương” - ông Quân nói.

Để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy cao nhất vai trò, vị trí của TP đối với vùng và cả nước, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng mô hình CQĐT phù hợp hơn. “Thực hiện mô hình này, bên cạnh việc giải quyết những yêu cầu cấp thiết của TP thì đây còn là kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới nền hành chính nước ta” - ông Quân cho hay.

Theo đề án, CQĐT TP.HCM là một hình thức của chính quyền địa phương tại một đô thị đặc biệt, được tổ chức phù hợp với đặc điểm phát triển không đều, theo tính chất, yêu cầu quản lý của từng địa bàn. Mục tiêu xây dựng CQĐT là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phù hợp với tính chất đô thị đặc biệt và điều kiện vận hành của cơ chế thị trường. Qua đó nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng cấp chính quyền, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Đề án cũng cho hay việc xây dựng thí điểm CQĐT sẽ tạo ra các động lực tích cực trong dài hạn về kinh tế-xã hội đối với sự phát triển của TP. Đồng thời, tiếp tục củng cố và phát huy vai trò đầu tàu của TP trong phát triển kinh tế cả nước, mở rộng khả năng đóng góp của TP cho ngân sách và tăng trưởng. Khắc phục các vấn đề bất cập trong phát triển mà TP đang đối mặt với nhiều “điểm nghẽn” về mô hình tăng trưởng, kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực. Đặc biệt, theo lãnh đạo TP, việc thực hiện thí điểm CQĐTsẽ phục vụ người dân tốt hơn với quá trình tái cấu trúc lại bộ máy quản lý theo ngành và theo lãnh thổ, nâng cao hơn nữa vai trò của HĐND và các tổ chức chính trị xã hội, thúc đẩy năng lực phục vụ nhân dân tốt hơn với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm của quản trị đô thị.

Trên cơ sở đó, đề án thí điểm kiến nghị trung ương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho TP trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền trên các lĩnh vực như ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức nhân sự, quản lý tài chính công, quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, xử lý vi phạm hành chính, cơ chế ủy quyền trong CQĐT.

Phải đảm bảo  thông suốt, hiệu quả, hiệu lực

Sau khi nghe ý kiến của đại biểu tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao dự thảo đề án với cơ sở khoa học và thực tiễn cũng như nêu được những bất cập và đề xuất giải pháp giải quyết.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đề án cần làm rõ hơn các cơ chế, chính sách trong việc phát huy trách nhiệm của TP với cả nước, xây dựng cơ chế thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho TP và hiệu quả, lợi ích đối với người dân TP trong quá trình thực hiện thí điểm.

Theo đó, quá trình xây dựng đề án thí điểm cần thiết kế các mô hình, tổ chức bộ máy sao cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp và một số văn bản khác. Đối với một số vấn đề chưa có trong quy định hiện hành được TP đề xuất tổ chức mới trong đề án thì cần tham khảo, tiếp thu ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành trung ương để việc thực hiện sau này đạt hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, tương xứng với quy mô, tính chất của đô thị đặc biệt của TP. Việc thí điểm CQĐT phải bảo đảm sự thông suốt, hiệu quả, hiệu lực của nền hành chính nhà nước.

Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành trung ương phối hợp với TP.HCM tiến hành rà soát cụ thể các kiến nghị của TP trong việc phân cấp, phân quyền các lĩnh vực mà TP đề xuất. Cùng đó, TP cần nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các ban, bộ, ngành trung ương để hoàn chỉnh đề án để các cơ quan trung ương cùng thẩm tra, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ để Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

T.HƯƠNG - V.HOA - LC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm