100 NĂM NGÀY SINH CỐ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH (1.7.1915 – 1.7.2015)

Chịu ơn ‘người đổi mới’

Những câu chuyện về “xé rào” tháo gỡ khó khăn, tìm cách làm mới trên địa bàn TP.HCM vẫn còn lưu giữ trong ký ức của nhiều người và một trong những người mà nhân dân không thể không “chịu ơn” là cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đúc kết này được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng miền Nam, với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP.HCM” do Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vào sáng 22-6.

Người “bật đèn xanh” cho Đổi mới

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhớ lại thành công nhất của giai đoạn Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Linh lãnh đạo trong những năm đầu thập niên 1980, đó là tìm ra những mô hình tháo gỡ sự trói buộc của cơ chế quản lý kinh tế theo kiểu tập trung quan liêu - hành chính - bao cấp nhằm làm cho sản xuất bung ra bằng nhiều hình thức kinh tế quá độ.

Ông Khải dẫn chứng hai cuộc hội nghị lịch sử lần thứ 10 và 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM trong hai năm 1979-1980 đã mở những khâu đột phá dọn đường cho những phong trào quần chúng sản xuất nông nghiệp, thương nghiệp. “Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Thành ủy TP.HCM đã mở rộng chiến dịch chỉ đạo nhằm kiên quyết xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu - hành chính - bao cấp, bảo đảm quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh trong hơn 160 đơn vị kinh tế cơ sở sản xuất ra hơn 800 chủng loại sản phẩm cung cấp cho nhu cầu xã hội” - nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chia sẻ và cho biết sự năng động và sáng tạo của TP thời kỳ này bị một số người ngộ nhận, phê phán là làm trái nguyên lý kinh tế XHCN. Nhưng Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh khi đó giữ vững quan điểm, nhất quán ủng hộ cái mới với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.

Trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ Đổi mới (1986 -1991), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cùng Bộ Chính trị và BCH Trung ương Đảng lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế-xã hội. Trong ảnh: Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Nhà máy sữa Dielac tại TP.HCM ngày 2-11-1990. (Ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu)

Thời điểm đó, trước tình hình nguyên liệu cạn kiệt, sản xuất đình đốn, lãnh đạo TP.HCM đã chấp thuận cho Công ty Xuất nhập khẩu TP và Công ty Xuất nhập khẩu Chợ Lớn huy động vốn của nhiều đơn vị, hợp tác xã, tổ hợp của tư nhân để mua nông sản ở TP và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với giá thỏa thuận, xuất khẩu tiểu ngạch sang Singapore, Hong Kong... lấy ngoại tệ nhập nguyên liệu, vật tư cho nhu cầu sản xuất công nghiệp. Cách “gỡ đói” nguyên liệu ấy sau đó mở rộng ra nhiều mặt hàng, nhiều ngành, công nghiệp TP bước đầu giải quyết được khâu nguyên liệu, vật tư khan hiếm, vừa có sản phẩm bán ra có lãi, vừa giải quyết được việc làm cho công nhân.

PGS-TS Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, nhận định khi nhắc đến người “bật đèn xanh” cho Đổi mới, không thể không “chịu ơn” cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. “Những việc làm như xóa bao cấp, thực hiện ba lợi ích, lương sản phẩm trong xí nghiệp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, hợp doanh… với các địa chỉ như Công ty Lương thực TP, gạch bông Đức Tân, dệt Thành Công, dệt Phước Long… mãi mãi khắc ghi công ơn đồng chí Nguyễn Văn Linh” - PGS-TS Phan Xuân Biên nói.

Đặc biệt, sự kiện ghi nhớ đến công cuộc đổi mới của TP nói riêng và cả nước nói chung là “sự kiện Đà Lạt” vào trung tuần tháng 7-1983. “Từ khảo sát thực tiễn, tổng kết những thí điểm về đổi mới để có cách làm ăn hiệu quả, đảm bảo đời sống công nhân, phát triển sản xuất kinh doanh, cố Tổng Bí thư đã tổ chức cho giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn TP có cách làm mới theo cơ chế của TP trực tiếp báo cáo với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Trung ương, rồi mời các đồng chí đến tham quan, khảo sát thực tế… Sự kiện đó đã đóng góp tích cực có hiệu quả, tác động đến sự hình thành đường lối mới” - PGS-TS Biên cho biết.

Trọng dân, trọng thực tiễn

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải khẳng định với tầm tư duy chiến lược nhạy bén, vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách nhuần nhuyễn, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nêu ra và kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn luôn giữ vững định hướng XHCN, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. “Từ cuộc sống, chiến đấu và phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM là thực tiễn vô cùng phong phú, sinh động mà đồng chí gắn bó máu thịt, luôn sát cánh, trực tiếp chỉ đạo; đồng chí rút ra những bài học quý báu, góp phần hoàn thiện đường lối của Đảng, để lãnh đạo, chỉ đạo đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên, đi tới thắng lợi” - ông Hải nói.

Theo ông Hải, cố Tổng Bí thư luôn kiên cường bám trụ, gắn bó máu thịt với TP và cũng chính TP.HCM đã tạo môi trường và kinh nghiệm vô cùng phong phú đối với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đó là một biểu hiện sinh động về sự gắn bó mật thiết, máu thịt giữa Đảng với nhân dân. “Tư duy đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh xuất phát từ thực tiễn, đó là kết quả của một quá trình luôn sát cánh với nhân dân, bám sát thực tiễn, luôn trăn trở trước hiện thực khách quan, trong sản xuất và đời sống, nhìn thẳng vào sự thật, thấu hiểu ra và nói rõ sự thật, đặc biệt là những thiếu sót, khuyết điểm. Nhận ra được những đòi hỏi khách quan của thực tiễn để đổi mới tư duy, đề ra những việc cần làm ngay phù hợp với quy luật để có thể giải quyết được tình trạng khủng hoảng” - ông Hải nói.

Trong bài tham luận gửi tới hội thảo với tựa đề “Đồng chí Nguyễn Văn Linh tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng” - PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh: “Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 70 năm hoạt động cách mạng, trải qua các thời kỳ với các cương vị công tác khác nhau, qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn giữ vững phẩm chất, khí tiết, đạo đức cách mạng, tư cách của người cộng sản, một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, phụng sự nhân dân”.

Luôn lắng nghe và biết nhận khuyết điểm

Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Thọ Chân (năm nay đã 95 tuổi) chia sẻ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người bạn thân thiết, người anh đáng kính có thể tâm tình cởi mở, không chút e ngại. Nói về đức tính của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ông Chân nhớ nhất là đặc điểm luôn lắng nghe và biết nhận khuyết điểm. Thậm chí khi đang đương vị Tổng Bí thư nhưng được các bậc đàn anh góp ý về cách làm việc ông đều lắng nghe, gật đầu đồng ý và chịu thay đổi. “Tôi phục anh Linh ở chỗ anh trân trọng sự đóng góp của các đồng chí khác và trần tình lắng nghe người khác nói. Anh Linh không ưa những người làm ra vẻ quan trọng, coi thái độ ấy là giả dối. Anh đã làm cho TP.HCM và đất nước qua được những thác ghềnh nguy hiểm. Ngày nay những thành công của TP.HCM và đất nước đều có không ít dấu ấn của anh Linh” - ông Chân khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm