Cho nhận phần vắng đã tặng cho

Theo số liệu từ phòng Ngân sách Sở Tài chính TP.HCM, đến ngày 10-3 đã có gần 250 phần vắng được sở này hoàn trả với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng. Đây là các phần vắng được chi trả theo Quyết định 01 năm 2008 về hoàn trả giá trị phần vắng đồng sở hữu nhà ở thuộc sở hữu tư nhân của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, việc hoàn trả phần vắng vừa qua còn gặp một số vướng mắc về giấy tờ, thủ tục nên một số trường hợp chưa được giải quyết. Sở Tư pháp TP.HCM đã đề xuất hướng tháo gỡ và UBND TP vừa ra Công văn 810 gỡ vướng.

Nộp nhầm tài khoản được nhận lại

Theo Quyết định 01, phần vắng được hoàn trả là phần vắng thuộc sở hữu tư nhân nộp tại ngân hàng hoặc kho bạc nhà nước theo quy định. Thực tế lại có nhiều trường hợp người dân nộp nhầm phần vắng thuộc sở hữu tư nhân vào ngân hàng hoặc kho bạc nơi giữ phần vắng thuộc tài sản do nhà nước quản lý.

Đơn cử như bà Anh Thảo (quận 1) có người chị ruột được bảo lãnh sang Mỹ định cư từ năm 1992. Hai năm sau, bà Thảo bán căn nhà do bà và người chị là đồng thừa kế rồi nộp phần vắng của người chị vào ngân hàng A. Khi Quyết định 01 có hiệu lực từ ngày 17-1-2008, bà Thảo làm thủ tục xin hoàn trả phần vắng nhưng không được chấp nhận vì ngân hàng A là nơi giữ phần vắng thuộc tài sản do nhà nước quản lý. Việc bà Thảo nộp phần vắng vào tài khoản nào, ngân hàng nào là theo chỉ định của cơ quan nhà nước chứ không phải do lỗi của bà.

Nay Công văn 810 cho phép Sở Tài chính TP.HCM chi trả phần vắng cho người chị của bà Thảo và những trường hợp tương tự. Còn các trường hợp tài sản do nhà nước quản lý nhưng nộp nhầm vào tài khoản áp dụng đối với phần vắng thuộc sở hữu tư nhân thì chưa hoàn trả, chờ chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng.

Có giấy nhượng quyền thừa kế: Được du di

Một vướng mắc khác là theo Quyết định 01, chỉ có chủ sở hữu phần vắng hoặc người đại diện hợp pháp (có văn bản ủy quyền được xác nhận hoặc được hợp pháp hóa lãnh sự) thì mới được hoàn trả phần vắng. Thế nhưng có rất nhiều chủ sở hữu phần vắng không làm giấy ủy quyền mà đi tắt luôn bằng cách làm giấy nhượng quyền hưởng di sản cho người thân đang ở Việt Nam hoặc giấy nhượng quyền sở hữu tài sản thừa kế, giấy tặng cho phần thừa kế... có xác nhận hoặc hợp pháp hóa lãnh sự.

Khi người thân của họ cầm những giấy tờ này đi làm thủ tục nhận phần vắng, cán bộ Sở Tài chính đành phải từ chối giải quyết. Bởi lẽ theo quy định, việc tặng cho, chuyển nhượng bất động sản tại Việt Nam phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Bộ luật Dân sự các năm 1995 và 2005 cũng không quy định việc nhượng quyền thừa kế. Ngoài ra, theo Nghị định 75 năm 2000 về công chứng, chứng thực trước đây và Luật Công chứng hiện nay, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không có thẩm quyền công chứng việc giao kết hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng bất động sản tại Việt Nam.

Xét cho cùng thì những giấy tờ trên tuy chưa phù hợp với quy định của pháp luật nhưng đã thể hiện ý chí tặng cho, chuyển nhượng tài sản của chủ sở hữu phần vắng cho người khác. Do đó, Công văn 810 có sự du di: Các trường hợp trên nếu hồ sơ đã nộp trước ngày 3-3-2009 (ngày ban hành Công văn 810) thì vẫn được xem xét hoàn trả phần vắng cho người được tặng cho, nhận chuyển nhượng tài sản.

Ngoài ra, trước khi có Quyết định 01, nhiều người dân đã làm hồ sơ xin hoàn trả phần vắng và UBND TP có chỉ đạo tạm chưa giải quyết chờ quy định thì nay cũng được xem xét hoàn trả nếu có đủ điều kiện.

UBND TP sẽ sớm kiến nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo các lãnh sự quán, đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài từ chối xác nhận hoặc hợp pháp hóa lãnh sự những văn bản, giấy tờ liên quan đến bất động sản có nội dung trái với quy định pháp luật Việt Nam.

ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm