Chưa có doanh nghiệp nào phá sản vì trả lương cao

Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ đề xuất tăng lương tối thiểu trong khu vực sản xuất trước lộ trình. Theo đó, lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh cao nhất là 2 triệu đồng/tháng áp dụng cho vùng I, vùng II là 1.780.000 đồng/tháng (tăng 50.000-100.000 đồng so với mức đề xuất ban đầu). Riêng vùng III và vùng IV được giữ nguyên so với đề xuất ban đầu là 1.550.000 đồng và 1,4 triệu đồng/tháng.

Điều đáng quan tâm là các mức lương tối thiểu mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra đều thấp hơn khá nhiều so với kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN). Ngày 12-8, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ôngPhạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, và ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐVN), xung quanh sự khác nhau này.

Tính đến khả năng chịu đựng của doanh nghiệp

. Thưa ông, đâu là những căn cứ để Bộ LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐVN đề xuất mức lương tối thiểu như đã nêu?

+ Thứ trưởngPhạm Minh Huân: Mức lương mà Bộ LĐ-TB&XH đề xuất có thể nói còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế nhưng phải tính đến khả năng chịu đựng của doanh nghiệp (DN). Phải dưỡng sức DN để họ tiếp tục phát triển chứ nếu cứ tăng áp lực lớn hơn cho đầu vào của DN thì họ sẽ gặp khó khăn rất lớn. Bộ cũng đã tính đến chuyện đời sống công nhân khó khăn nên đề xuất tăng lương sớm hơn một quý so với mọi năm kèm theo quy định mức sàn tiền hỗ trợ ăn trưa tùy theo từng vùng.

+ ÔngĐặng Quang Điều: Mức lương mà Tổng LĐLĐVN đề xuất là đã tính đến các yếu tố tổng thể (khả năng chi trả của DN - PV), chứ nếu chỉ đơn thuần trên phương diện khoa học thì mức lương còn phải cao hơn. Theo kết quả khảo sát thực tế của chúng tôi từ tháng 3 đến tháng 7-2011 trên địa bàn chín tỉnh cả nước, mức lương tối thiểu ở khu vực I phải là 3,1 triệu đồng/tháng, ở khu vực IV cũng phải là 2,6 triệu đồng/tháng thì mới đủ đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.

Chưa có doanh nghiệp nào phá sản vì trả lương cao ảnh 1

Với mức lương tối thiểu khiêm tốn, người lao động luôn phải tiết kiệm cho bữa ăn hằng ngày. Trong ảnh: Công nhân khu công nghiệp TP.HCM đi chợ chiều sau tan ca. Ảnh: HTD

. Liệu việc tăng lương có làm cho DN cân nhắc để thu hẹp sản xuất, từ đó tuyển dụng lao động ít hơn, dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp tăng?

+ Thứ trưởngPhạm Minh Huân: Tất nhiên lương tối thiểu mà tăng cao quá thì sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ thất nghiệp. DN sẽ phải cân nhắc có tuyển dụng thêm lao động hay không, do đó cơ hội tìm việc làm mới của người lao động sẽ giảm đi. Chính phủ bao giờ cũng phải đứng giữa nhu cầu của người lao động và thực tế khó khăn của DN. DN bây giờ khó lắm. DN sử dụng hàng ngàn lao động thì mọi động thái điều chỉnh lương của Nhà nước đều ảnh hưởng rất lớn đến họ.

+ ÔngĐặng Quang Điều: Chúng tôi đi khảo sát thực tế thì chưa thấy DN nào phá sản vì trả lương thỏa đáng cho người lao động cả. Lương của lao động Việt Nam hiện nay quá rẻ mạt. Đừng sợ vì trả lương cao mà DN phải thu hẹp sản xuất hay nước ngoài không đầu tư vào!

Mặt khác, việc tăng lương thỏa đáng cho lao động sẽ giữ được chân họ, DN sẽ không cần tốn kém vì phải tuyển dụng, đào tạo lao động mới do lao động nhảy việc. Lao động gắn bó, cống hiến cho DN thì cái lợi cho DN còn lớn hơn so với việc đầu tư tăng thêm tiền lương.

Thực tế, đa số DN đang trả lương cao hơn so với mức lương tối thiểu mà Nhà nước quy định thì mới thu hút được lao động. Vì vậy, tăng lương tối thiểu sẽ không tác động nhiều đến các DN.

Chưa có doanh nghiệp nào phá sản vì trả lương cao ảnh 2

Lương hiện nay không thể đảm bảo mức sống tối thiểu

. Luật lao động quy định “lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu” nhưng rõ ràng là mức lương hiện nay không đảm bảo được điều đó?

+ Thứ trưởngPhạm Minh Huân: Lương tối thiểu theo lý thuyết là mức sàn thấp nhất để người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau, DN không được trả thấp hơn mức sàn. Ngoài chuyện tăng lương tối thiểu, Chính phủ sẽ phải sử dụng các biện pháp tổng thể như hỗ trợ về nhà ở cho công nhân, hàng bình ổn giá và các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô để giảm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng.

+ ÔngĐặng Quang Điều: Khảo sát của chúng tôi cho thấy lương tối thiểu hiện nay mới đáp ứng được 65% mức sống tối thiểu của người lao động. Tiền lương như thế không đủ cho lao động tái sản xuất sức lao động chứ chưa nói đến chuyện nuôi con.

Chuyện ưu đãi thuế để chủ nhà trọ của công nhân không tăng giá thuê nhà, chuyện bán hàng bình ổn giá… là chuyện hoàn toàn khác với lương. Nếu có những ưu đãi đó thì cuộc sống người lao động được cải thiện thêm nhưng phải luôn luôn đảm bảo ý nghĩa của lương tối thiểu mà luật lao động đã nêu: Lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu.

Chỉ nhỉnh hơn Lào, Campuchia

Theo Tổ chức Lao động quốc tế, lương tối thiểu của một số nước trong khu vực: Nhật 873 USD/tháng, Hàn Quốc 768 USD/tháng, Philippines 232 USD/tháng, Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải) 187 USD/tháng, Thái Lan (Bangkok) 177 USD/tháng, Indonesia 145 USD/tháng, Lào 71 USD/tháng, Campuchia 68 USD/tháng.

Lương tối thiểu của Việt Nam mức cao nhất theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH là 2 triệu đồng/tháng (gần 100 USD), chỉ cao hơn mức lương của Lào và Campuchia.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm