Cơ chế dành cho viên chức thoáng hơn công chức

Với Luật Viên chức, từ nay khái niệm viên chức được phân biệt rõ với công chức: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

Hoạt động nghề nghiệp của viên chức là việc thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập, khác với lao động của công chức mang tính chất quyền lực công.

Luật cũng đưa ra khái niệm đơn vị sự nghiệp công lập, đó là “tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước”.

Đổi mới công tác tuyển dụng viên chức

Công chức được phân chia theo “ngạch”, còn viên chức thì được phân theo chức danh nghề nghiệp. Chức danh nghề nghiệp thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp. Chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm cho viên chức theo các nguyên tắc: làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó, người được bổ nhiệm phải đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp. Việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện thông qua thi hoặc xét.

Quy trình tuyển dụng viên chức thoáng hơn so với quy trình bổ nhiệm chặt chẽ của công chức. Viên chức được tuyển dụng thông qua phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai hình thức và giao cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp quyết định phương thức tuyển dụng. Điều này đã góp phần thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp và phát huy thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu.

Cơ chế dành cho viên chức thoáng hơn công chức ảnh 1

Từ ngày 1-1-2012, cơ chế dành cho viên chức sẽ khác so với công chức. Trong ảnh: Cán bộ nghiệp vụ Phòng Công chứng số 1 đang lấy dấu vân tay của khách hàng. Ảnh: ÁI PHƯƠNG

Vậy những ai được đăng ký dự tuyển viên chức? Điều 22 Luật Viên chức quy định những người có đủ các điều kiện sau đây được đăng ký dự tuyển viên chức, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo:

- Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam.

- Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực đặc thù thì tuổi dự tuyển có thể thấp hơn và phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.

- Có đơn đăng ký dự tuyển.

- Có lý lịch rõ ràng.

- Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm.

- Đủ sức khỏe để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ.

- Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Những đối tượng được ưu tiên tuyển dụng là người có tài năng, có công với cách mạng và người dân tộc thiểu số. Căn cứ vào kết quả tuyển dụng, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sẽ ký kết hợp đồng làm việc với người trúng tuyển. Người trúng tuyển viên chức phải thực hiện chế độ tập sự trong thời gian từ ba tháng đến 12 tháng, trừ trường hợp đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.

Viên chức được góp vốn, kinh doanh

Do hoạt động của viên chức mang tính chuyên môn nghiệp vụ nên quyền của viên chức cũng được quy định theo hướng mở hơn so với công chức. Viên chức được góp vốn (nhưng không tham gia quản lý, điều hành) công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư. Ngoài ra, viên chức còn được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc; có thể ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Viên chức được khen thưởng, tôn vinh, được tham gia hoạt động kinh tế - xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở; được tạo điều kiện học tập hoạt động nghề nghiệp ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. Trường hợp viên chức bị thương hoặc chết do thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao thì được xét hưởng chính sách như thương binh hoặc được xét để công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.

Viên chức được đánh giá hàng năm

Hàng năm, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức thực hiện việc đánh giá viên chức, nhằm làm căn cứ tiếp tục bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức. Việc đánh giá viên chức được thực hiện dựa trên các nội dung sau: kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết; việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức; việc thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức.

Cơ chế dành cho viên chức thoáng hơn công chức ảnh 2

Một buổi trợ giúp pháp lý lưu động do Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước TP.HCM tổ chức tại huyện Hóc Môn. (Ảnh do Trung tâm cung cấp)

Riêng với viên chức quản lý, ngoài các nội dung đánh giá trên, còn xem xét ở các nội dung sau: năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; kết quả hoạt động của đơn vị được giao quản lý, phụ trách.

Căn cứ vào các nội dung đánh giá trên, viên chức được phân thành bốn loại: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu viên chức có hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

Trả lương trễ hạn: Được đơn phương chấm dứt hợp đồng

Viên chức được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong các trường hợp: không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc; không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc; không đủ sức khỏe hoặc không đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc; được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hoặc được cấp có thẩm quyền điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ được quy định là công chức theo quy định của pháp luật; viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau: viên chức có hai năm liên tiếp bị phân loại đánh giá ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ; viên chức bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục (đối với hợp đồng làm việc không xác định thời hạn) hoặc sáu tháng liên tục (đối với hợp đồng làm việc xác định thời hạn) mà khả năng làm việc chưa hồi phục; khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động hoặc thu hẹp quy mô do những lý do bất khả kháng...

Đối với trường hợp có tranh chấp về hợp đồng làm việc thì sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động.

Các hình thức kỷ luật đối với viên chức

Trong quá trình thực hiện công việc, nếu có vi phạm thì viên chức sẽ bị kỷ luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có các hình thức kỷ luật tương xứng: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc (không có hình thức hạ bậc lương, giáng chức giống như công chức).

Hình thức kỷ luật

Hệ quả về lương

Hệ quả khác

Khiển trách

Thời hạn nâng lương bị kéo dài ba tháng

- Không được thực hiện việc quy hoạch,

 đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng.

- Viên chức quản lý bị cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí quản lý...

Cảnh cáo

Thời hạn nâng lương bị kéo dài sáu tháng

Cách chức

Thời hạn nâng lương bị kéo dài 12 tháng, bố trí việc làm khác

Buộc thôi việc

Luật Viên chức quy định: Đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2003 có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để bảo đảm các quyền lợi, chế độ chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng. Đối với viên chức được tuyển dụng từ ngày 1-7-2003 đến ngày Luật Viên chức có hiệu lực (1-1-2012) tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý theo quy định của luật này.

Công chức

Viên chức

Nhiệm vụ

Vận hành quyền lực nhà nước, làm nhiệm vụ quản lý.

Thực hiện chức năng xã hội, trực tiếp thực hiện nghiệp vụ.

Hình thức tuyển dụng

Thi tuyển, bổ nhiệm, có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuộc biên chế.

Thi tuyển hoặc xét tuyển, ký hợp đồng làm việc.

Lương

Hưởng lương từ ngân sách nhà nước, theo ngạch bậc.

Một phần từ ngân sách hoặc toàn bộ từ nguồn thu sự nghiệp.

Nơi làm việc

Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội.

Đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan nhà nước hoặc tổ chức chính trị, chính trị - xã hội.

ÁI PHƯƠNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 174)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm