Cơ quan nhà nước đối thoại với báo chí

Chuyện chính quyền đối thoại với dân không hiếm. Thế nhưng chuyện cơ quan nhà nước đối thoại với cơ quan báo chí để xem báo chí nói đúng hay sai thì rất mới lạ!

Hai bài báo cùng ba chương trình truyền hình về các vấn đề dân sinh nổi cộm nhất tháng 9-2009 của Báo Bình Phước và Đài phát thanh truyền hình (PT-TH) tỉnh Bình Phước được đem ra mổ xẻ tới nơi tới chốn vào sáng 9-10 dưới sự cầm trịch của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh. Cơ quan chức năng được báo chí phản ánh và cơ quan báo chí tranh luận lại từng điểm một trong nội dung từng bài báo, chương trình để đi đến tận cùng: Ai đúng, ai sai. Trong đó, nóng nhất là chuyện thiếu thuốc chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân.

Bệnh viện: BHXH chậm chi trả BHYT

Chương trình truyền hình “BHYT trả chậm, bệnh viện thiếu thuốc” của Đài PT-TH tỉnh Bình Phước được đưa ra bàn đầu tiên. Do Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh chậm chi trả tiền khám chữa bệnh BHYT nên đã có một số công ty cung ứng thuốc thông báo ngưng cấp thuốc cho Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Phú. Lý do: Bệnh viện còn nợ nhiều tiền thuốc. Đến tháng 9-2009, tổng số tiền vượt quỹ BHYT của bệnh viện này còn hơn 985 triệu đồng, trong đó có hơn 150 triệu đồng từ năm 2008 chưa được thanh quyết toán.

Đồng cảnh ngộ, Bệnh viện đa khoa tỉnh có tới hơn 18,7 tỷ đồng khám chữa bệnh BHYT chưa được chi trả. Đích thân Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước Từ Phương Nam phải lấy uy tín cá nhân ra ký nợ với các công ty dược để có đủ cơ số thuốc điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tình trạng thiếu thuốc vẫn diễn ra, nhiều toa thuốc có bốn loại thuốc nhưng bệnh viện chỉ cấp được hai loại hoặc toa thuốc hai loại thì chỉ được cấp một loại. Còn lại bệnh nhân phải đi mua bên ngoài.

BHXH: “Có tình trạng trên!”

Lãnh đạo hai bệnh viện đều khẳng định nội dung đài nêu hoàn toàn đúng. Riêng chi tiết “thiếu thuốc diễn ra triền miên” vào đầu hoặc cuối tháng tại Phòng Khám ngoại số 7 của bệnh viện tỉnh là có thiếu nhưng không đến nỗi “triền miên”- ông Nam góp ý.

Đại diện BHXH tỉnh khẳng định: Có biết tình trạng trên. Trong sáu tháng đầu năm nay, 14 cơ sở chữa bệnh tại tỉnh này đã nợ tiền thuốc của các công ty dược hơn bảy tỷ đồng. Cái khó là số người đi khám chữa bệnh BHYT tăng vọt nên chi phí đội lên rất nhiều. BHXH đã cân đối, giải quyết chi cho Bệnh viện huyện Đồng Phú 566 triệu đồng vượt quỹ BHYT sáu tháng đầu năm. Bệnh viện tỉnh cũng sắp được chi trả 2,5 tỷ đồng vượt quỹ BHYT. Các cơ sở y tế khác cũng đã trả xong.

BHXH cho rằng chi tiết Bệnh viện đa khoa tỉnh còn hơn 18 tỷ đồng tiền BHYT chưa được chi trả là không chuẩn xác. Ông Từ Phương Nam “phản pháo” ngay: “Đến ngày 31-8, chúng tôi đã chi cho BHYT 17,9 tỷ đồng, vượt trần năm 2008. Đến ngày 7-10, một trong hai công ty trúng thầu cung ứng thuốc chính tuyên bố tạm thôi cung cấp cho một số bệnh viện của tỉnh... Vậy bệnh nhân BHYT sẽ ra sao nếu không có thuốc?”.

Cơ quan nhà nước đối thoại với báo chí ảnh 1

BHXH tỉnh Bình Phước nghe phóng viên Đông Kiểm (ảnh trên) giải thích về vụ thiếu thuốc. Ảnh: BÌNH AN
BHXH tỉnh Bình Phước nghe phóng viên Đông Kiểm (ảnh trên) giải thích về vụ thiếu thuốc. Ảnh: BÌNH AN

Lỗi tại phần mềm mới

18 tỷ đồng nói trên kẹt cứng do đâu? BHXH cho biết đã “cắm” một giám định viên ở mỗi bệnh viện để xem xét các giấy tờ quyết toán kinh phí BHYT, riêng bệnh viện tỉnh có tới hai giám định viên. Vậy ách tắc chỗ nào? Tới đây, đại diện BHXH chỉ ra rằng do bệnh viện tỉnh thiếu giấy tờ nên họ chưa thể quyết toán được.

Ông Nam cười và giải thích lý do khá hành chính: “Một ngày đẹp trời, BHXH đưa phần mềm giám định 1.0, bảo khi quyết toán phải nộp bằng đĩa. Nhân viên bệnh viện trước đó phải nhập dữ liệu vào phần mềm cũ trong sáu tháng với 19.500 bệnh nhân ngoại trú, 204.000 toa thuốc in ra rồi. Giờ phải nhập lại nên chậm”.

BHXH xác nhận chỉ cần bệnh viện tỉnh lo số liệu xong là sẽ quyết toán ngay. Ông Nam hỏi: “Sao không quyết toán trên giấy đi rồi đối chiếu trên đĩa sau?”. Phía BHXH vẫn từ chối vì cho rằng biểu mẫu phải làm đúng theo yêu cầu của Bộ Tài chính về thủ tục quyết toán.

“Tôi sẽ “quay” các anh: Tiền thu BHYT để đâu?”

Một vấn đề khác cũng được quan tâm là tiền mua BHYT đi đâu, về đâu. Quyền Tổng biên tập Báo Bình Phước Đoàn Như Viên phát biểu: “Tôi mua thẻ BHYT cũng phải bỏ tiền ra chứ. Khi đi khám lại không có thuốc. Nhưng có ai bán thẻ BHYT thiếu đâu? Tiền dân nộp đó có phải để bỏ vô ngân hàng? 202.000 thẻ BHYT tính ra hơn 40 tỷ đồng, trích 10% nộp về trung ương, còn hơn 35 tỷ đồng ở đâu? Nếu tôi đi phỏng vấn, tôi sẽ “quay” các anh: Tiền để đâu?”.

Đại diện BHXH giải đáp toàn bộ tiền thu từ thẻ BHYT đều chuyển ra nộp cho BHXH Việt Nam, rồi nơi đây mới chuyển tiền vào theo tạm ứng hoặc quyết toán.

Gút lại, bà Trần Tuyết Minh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước khẳng định nội dung chương trình của đài là đúng sự thật. Còn vài chi tiết, con số nhà đài cần cẩn trọng hơn. Bà đề nghị BHXH tỉnh nhanh chóng chi trả chi phí BHYT để việc khám chữa bệnh cho dân được tốt hơn, đồng thời tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí. Đài cần tiếp tục theo dõi, đưa tin về tiến độ chi trả BHYT và khắc phục tình trạng thiếu thuốc tại các bệnh viện của tỉnh.

Tạo kênh trao đổi thông tin hai chiều

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết: Việc đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan báo chí của tỉnh được Sở tổ chức định kỳ hằng tháng, bắt đầu từ tháng 4-2009. Đây là diễn đàn để các cơ quan, đơn vị được báo chí phản ánh có sự nhìn nhận lại. Nếu báo chí nói đúng thì cơ quan, đơn vị đó phải khắc phục ngay. Nếu báo chí sai thì báo phải rút kinh nghiệm và cải chính đúng luật. Thông qua sự hợp tác này, quyền lợi người dân được cơ quan chức năng giải quyết triệt để, chóng vánh hơn, vai trò báo chí được quan tâm hơn và nhà báo cũng sẽ cẩn trọng hơn với đứa con tinh thần của mình.

BÌNH AN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm